(Xây dựng) - Bình minh lên cao tỏa những tia nắng lấp lánh trên những bông hoa phượng đỏ, đang nở rộ trên nhiều tuyến phố Hà Nội chào đón một mùa Hè đầy sôi động, cũng là lúc tôi và Họa sĩ Lê Minh rủ nhau đến nhà Nhạc sĩ Hồng Lĩnh ở khu tập thể Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để giao lưu và nghe anh biểu diễn đàn guitar.
Hồng Lĩnh sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Hải, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Là con thứ trong gia đình nên ngoài những giờ học trên lớp ra, Lĩnh thường phải đi chăn trâu, cắt cỏ theo mẹ ra đồng gặt hái...
Thời thơ ấu, cậu bé Lĩnh đã thích nghe các bản nhạc dân ca về quê hương, những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài qua băng, đài, đĩa... Lên 10 tuổi, cậu bé Lĩnh đã tự mầy mò học đàn ghi ta, sáo, đàn bầu qua sách và băng đĩa... Khi đang học phổ thông (cấp III), Hồng Lĩnh đã xin bố mẹ tiền mua cây đàn guitar để đi học đàn nhạc ở huyện nhà.
Năm 1990, cậu bé ngày ấy thi tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Đề thi ngoài kiến thức và thử năng khiếu ra, Hồng Lĩnh phải đánh đàn Guitar với 3 bản nhạc nổi tiếng như: Biến tấu Mojazz, Bài ca Hy Vọng, Etude số 1 - Villa - Lobos. Khóa học Guitar năm 1990 có 2 người là Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh và Lê Thu (Nhạc sĩ Lê Thu đã đoạt giải xuất sắc nhất châu Á). Sau 11 năm học tập và rèn luyện vất vả gồm các môn chính: Guitar, sướng âm, ghi âm, sáng tác nhạc..., Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Lĩnh đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ngồi đây tâm sự và trao đổi với Nhạc sĩ một số vấn đề về âm nhạc Việt Nam và Thế giới, chúng tôi cũng hiểu biết thêm về cách sáng tác nhạc và những kỹ thuật đánh đàn guitar tốc độ cao. Quả là không hề đơn giản chút nào.
Qua nhiều tâm sự và những nụ cười sảng khoái, cùng với những chia sẻ về cuộc sống và sự nghiệp âm nhạc của anh, qua những bản nhạc nổi tiếng của Thế giới... được anh thể hiện với đàn Guitar, chúng tôi không khỏi khâm phục một nhân tài xuất chúng.
Nhạc sĩ Hồng Lĩnh đã thể hiện những kỹ thuật đánh đàn quá điêu luyện. Tiếng đàn của anh gợi lên nhiều cảm xúc và tâm trạng khiến người nghe chìm lắng trong những nốt nhạc nhấn nhá, gợi cảm của bản nhạc lúc nào không biết.
Nhạc sĩ Hồng Lĩnh đã có nhiều kỷ niệm cùng anh em biểu diễn ở nhiều nơi, đặc biệt ấn tượng nhất ở nhà Hát Lớn, được nhiều người khen ngợi. Ngoài ra, anh còn dạy nhiều học sinh các lứa tuổi theo phương pháp mới với nhiều thể loại nhạc cổ điển và nhạc nhẹ.
Anh đang chuẩn bị đầu tư thời gian, sáng tác một số bản nhạc soạn cho guitar theo cách đánh mới. Nhạc có nhiều phối khí, bè trầm - bổng chạy cùng một lúc nhằm mang lại cho người nghe nhiều cảm xúc và ấn tượng.
Chia tay nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hồng Lĩnh, chúng tôi vẫn còn vấn vương những cảm xúc tiếng đàn của anh.
Phạm Đức Minh
Theo