(Xây dựng) - Tác giả “Chí làm trai” có quãng thời gian làm quan với nhiều cung bậc thăng trầm, dù ở trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào Nguyễn Công Trứ cũng luôn là một người khảng khái, yêu nước, thương dân, ông dễ dàng hoà nhập với những biến thiên của thời đại, hoà mình với đời sống của nhân dân, với nhiều lớp người trong xã hội để bảo vệ, dẫn dắt và kiếm tìm nguồn sống cho họ. Ghi dấu ấn đặc biệt trong nhiều lĩnh vực như văn học, quân sự, kinh tế… trong đó, có thể kể đến thành công của ông trong công tác khai hoang – trị thủy, mở ra nhiều vùng đất mới.
Chân dung Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858).
“Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo”
Trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ, có thể nói sự nghiệp lừng lẫy nhất chính là việc lãnh đạo tổ chức khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải (nghĩa là “biển bạc”) nay thuộc tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn (nghĩa là “rừng vàng”) nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Sau khi dẹp tan nhiều cuộc nổi loạn, Nguyễn Công Trứ nhận thấy nhu cầu bức thiết của dân nghèo là cần có ruộng đất để tạo kế sinh nhai. Lúc bấy giờ ông đang giữ chức Tả Thị Lang bộ Hình, ông thấy có nhiều vùng đất tuy rộng lớn nhưng lại bị bỏ hoang nên đã dâng lên vua Minh Mạng bản điều trần có tên “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo”.
Nguyễn Công Trứ trình bày rõ: “Đời xưa chia ruộng, lương của để dân có nghề, cho nên dân yên phận làm ăn nơi thôn ấp, không sinh gian vậy. Hiện nay, những dân đói nghèo, rong ăn, rong chơi, lúc cùng lại rủ nhau trộm cướp, tệ ấy khó ngăn hết được. Trước kia Thần đã đi qua tỉnh Nam Định, thấy về phần đất huyện Yên Định, đất đai hoang phế kể tới hàng nghìn mẫu. Dân muốn khai hoang mà không đủ sức. Nay nếu được cấp phát của công cho thì có thể chiêu tập dân nghèo mà khẩn trị được. Làm như thế triều đình không tốn bao nhiêu mà cái lợi lâu dài mãi mãi”.
Bên cạnh đó, ông còn đề ra phương thức triển khai công tác khai hoang bằng cách: “Những đất hoang có thể khai khẩn được thì cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi cùng làm. Mộ được 50 người thì thành lập một làng cho làm lý trưởng. Mộ 30 người thì lập một ấp cho làm ấp trưởng. Mọi nhà đều được chia đất, cấp tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo, lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn. 3 năm thành ruộng chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc đề phòng năm mất mùa cho dân vay”.
Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ được nhà vua đồng tình và phê chuẩn. Tháng 3 năm Mậu Tý (1828), ông giữ chức Dinh Điền Sứ đến Tiền Châu (Nam Định) nhanh chóng bắt tay tổ chức công cuộc khai hoang. Chưa đầy một năm sau, Nguyễn Công Trứ đã lập ra một huyện mới với tên gọi là Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (huyện Tiền Hải ngày nay thuộc tỉnh Thái Bình). Thời điểm đó, huyện Tiền Hải có 7 tổng, số dân đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.970 mẫu.
Tiếp nối thành công trên, ông tiếp tục tâu lên vua Minh Mạng xin khai hoang dải đất ven biển Yên Khánh, Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình. Nửa năm sau đó, ông lập ra huyện Kim Sơn với 5 tổng, có 1.260 dân đinh, khẩn hoang được 14.600 mẫu.
Thời gian đảm nhiệm chức Binh Bộ Hữu Tham tri, kiêm thư Tổng Đốc Hải An (gồm tỉnh Hải Dương và Quảng Yên), Nguyễn Công Trứ cũng góp công lớn trong công tác khai hoang, mở đất. Nhờ vậy, một loạt làng mới được hình thành, đồn điền xuất hiện, đất canh tác được mở rộng như làng Minh Liễn (Hải Dương), làng Lưu Khê, Vị Dương, An Phong (Quảng Yên)…
Nhiều đóng góp trong công tác trị thủy
Khai hoang mà không biết trị thủy không thể tránh khỏi thất bại. Nắm rõ được tầm quan trọng của điều này, Nguyễn Công Trứ đã tiến hành nhiều công việc có tính quyết định như đào sông, đắp đê, xây dựng hệ thống thủy nông để cấp nước, đồng thời chống mặn, chống lũ lụt và chống hạn cho các vùng đất mới.
Đối với mỗi địa phương khác nhau, tùy vào đặc trưng của từng vùng mà ông áp dụng những cách thức thủy nông khác nhau. Vùng đất ruộng, cấy lúa sát biển như Kim Sơn, Tiền Hải dễ bị nhiễm mặn, việc đắp đê ngăn nước mặn không cho tràn vào đồng ruộng là rất cần thiết, đồng thời đê điều còn giúp chống lụt hiệu quả.
Một số nơi khác như ven sông Trà Lý, sông Long Hầu (Tiền Hải), sông Đáy (Kim Sơn), do sự chênh lệch mức nước giữa mùa mưa và mùa khô không đáng kể, ông tiến hành bố trí khu dân cư cách xa biển, xa sông một khoảng nhất định, đồng thời bỏ hoang một ít diện tích đất về mùa mưa để đề phòng ngập lụt.
Nguyễn Công Trứ cũng rất biết tận dụng vào đặc điểm tự nhiên của sông ngòi, từ đó áp dụng vào công tác thủy nông của từng vùng. Huyện Giao Thủy vốn sẵn có nhiều kênh rạch dẫn nước vào ruộng thì không cần đào lắp thêm kênh mương. Huyện Hải Hậu, ngoài những kênh chính, ông còn cho đào thêm một số hệ thống mương cái để dẫn nước vào khắp các cánh đồng trong huyện. Hệ thống kênh mương này còn có tác dụng tạo vách ngăn địa giới giữa các làng, ấp và tạo nên mạng lưới thủy nông rộng khắp.
Với việc kết hợp giữa sông ngòi tự nhiên và các công trình nhân tạo, có thể nói rằng hệ thống trị thủy do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo ở Kim Sơn và Tiền Hải là hệ thống duy nhất đạt đến trình độ khoa học ở Bắc Bộ vào thế kỷ XIX. Sự sáng tạo, tận dụng được những yếu tố tự nhiên, ông đã giải quyết được những khâu cơ bản về thủy lợi, hình thành mạng lưới thủy nông hoàn chỉnh trên địa bàn huyện.
Ngoài những vùng đất mới khai hoang, Nguyễn Công Trứ còn có nhiều đóng góp trong công tác thủy lợi ở sông Hồng. Sau này khi đảm nhiệm công việc ở miền Tây Nam, ông lại hợp tác với quân dân đào kênh rạch, dẫn nguồn nước ngọt Cửu Long về đồng ruộng.
Bằng cái tài và cái tâm của mình, Nguyễn Công Trứ đã xây dựng và để lại nhiều thành quả lớn lao, xứng đáng là nhà khai hoang và trị thủy tài ba của thế kỷ XIX. Đó không chỉ đơn giản là việc khẩn hoang, mở đất, đào sông, đắp đê… mà còn là xây dựng, củng cố dải đất phòng thủ ven biển Bắc Bộ của đất nước ta, tạo cơ hội cho nhân dân an cư, lạc nghiệp.
Phi Long – Thanh Tâm
Theo