Thứ sáu 29/03/2024 16:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nguy với thảm họa ngập

19:00 | 13/08/2019

(Xây dựng) - Sau nắng nóng sẽ là mưa bão. Và tiếp đó sẽ là lũ quét, ngập lụt. Vì sao, mỗi khi “thiên nhiên nổi giận”, những thiệt hại về người vẫn cứ xảy ra? Có phải, sự lơi lỏng trong quản lý, lòng ham muốn quá độ của con người đang dần đẩy môi trường sống của chính chúng ta ngày càng trở nên khắc nghiệt. Từ miền núi đến vùng hải đảo, sự dữ dằn của thiên tai cứ hiển hiện đến xót xa.

nguy voi tham hoa ngap
Ảnh nguồn: Tienphong.vn

Bây giờ đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, đi qua những đô thị nằm ở vùng cao, không khó nhận ra rằng, nhiều nơi, người ta đã “phát quang” quá mạnh tay để dựng lên những phố thị. Một Đà Lạt mộng mơ là thế, nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, vậy mà mưa xuống cuốn phăng đi bao của cải, để lại trên cao nguyên những vết hằn dữ dằn giữa bốn bề núi trọc. Bao cánh rừng thông nguyên sơ đã ra đi để đổi lại những biệt thự, những vùng canh tác nông nghiệp. Để rồi khi mưa xuống, lũ về, cao nguyên ngập trong lũ đỏ màu đất bazan. Rồi tầng tầng lớp lớp thủy điện án ngữ các dòng sông ở Tây Nguyên. Độ dốc cao, cộng thêm mưa lớn, rừng bị chặt phá... lũ, ngập lụt ập về các đô thị là điều khó tránh.

Điểm lại xem, bây giờ Tây Nguyên còn bao nhiêu rừng nguyên sinh? Những cánh rừng bạt ngàn một thủa ngay bên đô thị, tạo thành vành đai xanh cho đô thị, đã chẳng còn. Bây giờ, cần ngăn chặn tình trạng đốt rẫy làm nương, các vụ cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng bừa bãi hay chiếm dụng đất rừng... Những vấn nạn này chủ yếu do bàn tay con người. Không chỉ ở Việt Nam, nó đã thực sự là mối lo ngại chung của nhân loại, vì tác động nghiêm trọng tới môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, đặc biệt là với các đô thị miền núi, nơi có địa hình dốc, nền địa chất phức tạp.

Đến ngay vùng đảo Phú Quốc, cứ ngỡ ngập lụt sẽ chẳng thể có. Vậy nhưng, những ngày qua, lũ cũng ngút đầu người. Phú Quốc ngập cũng bởi bốn bề đảo đều là dựng xây, là trấn giữ mặt tiền của biển với nhan nhản resort, hotel 5, 6 sao.

Nhiều người cứ ngợi khen rằng, chưa bao giờ Phú Quốc lại nhộn nhịp với các dự án đầu tư phát triển du lịch như thời gian qua. Nhưng đổi lại, Phú Quốc đang đứng trước thách thức lớn về môi trường. Mà nhãn tiền là cảnh ngập lụt trong tuần qua. Không chỉ có thế, “đảo dự án” Phú Quốc hôm nay (với 248 dự án du lịch năm 2018, tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ USD, tương ứng khoảng 335.448 tỷ đồng), cũng đang có nguy cơ quá tải bởi rác thải, một nguyên nhân chặn các dòng chảy. Thế nên, ngập khi mưa lớn là điều khó tránh.

Thiên nhiên sẽ tước đi những gì đã ban tặng cho con người nếu như con người vẫn đối xử thô bạo với ngay nguồn sống của mình như hôm nay.

Những cánh rừng cứ vơi dần trước sự xâm lấn của con người. Từ thiệt hại của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cho thấy, sự đáp trả của thiên nhiên trước sức tàn phá của con người là như thế nào!

Phú Quốc sẽ không thể lung linh trong mắt khách muôn phương nếu trên các bãi biển, cung đường, sông rạch còn ngập rác. Những resort, những khu nghỉ dưỡng 5 hay 7 sao cũng sẽ chẳng thể níu chân họ nếu môi trường nơi này tiếp tục bị hủy hoại.

Bởi thế, bây giờ, mỗi lần nghe đài báo có bão, gió mùa hay áp thấp nhiệt đới, người dân khắp nơi lại nơm nớp lo. Sau nó sẽ là núi sập, rừng trôi, đảo ngập! Bởi hôm nay, đứa con của tự nhiên là con người đang trở nên hỗn hào hơn bao giờ hết với mẹ tự nhiên của mình.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load