Sau khi xảy ra việc chết người do rơi từ cửa sổ căn hộ tầng 15, chung cư Phú Mỹ Thuận (PMT - huyện Nhà Bè, TP.HCM), nhiều cư dân chung cư mới giật mình về yếu tố an toàn. Nhìn lại thực tế, hầu hết thiết kế căn hộ cao tầng hiện nay không tính đến yếu tố an toàn. Gắn khung bảo vệ tùy theo nhu cầu.
Chết người mới thấy nguy hiểm
Tiếp xúc với nhiều cư dân tại chung cư PMT, bây giờ thì ai cũng nhìn thấy sự nguy hiểm của việc thiếu khung bảo vệ tại những ô cửa sổ. Nhiều gia đình có con nhỏ vội vã kêu thợ đến làm khung lồng bảo vệ tại những nơi thiếu an toàn trong căn hộ của mình. “Ngay sau khi tai nạn xảy ra tôi lập tức xin nghỉ làm để gia cố khung bảo vệ cho căn hộ của mình… đúng là lâu nay mình không để ý tới chuyện này”, anh Bắc sống tại chung cư PMT, bảo vậy. Nhiều người dân tại đây thừa nhận là do công việc, chủ quan, nên chẳng ai quan tâm, để ý đến mối nguy hiểm từ cửa sổ. chỉ đến khi xảy ra tai nạn thương tâm họ mới giật mình nhìn lại. “Cái chết của cháu nhỏ như một lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang sinh sống tại các cao ốc và cho tất cả các chủ đầu tư kinh doanh cao ốc. Đúng ra, ngay từ khâu thiết kế họ đã phải tính đến yếu tố này”, anh Trung - một cư dân khác của PMT chia sẻ.
Tình trạng cửa sổ thiếu khung bảo vệ không chỉ có tại chung cư PMT. Hầu hết chung cư trên địa bàn TP.HCM đều nằm trong tình trạng này. Tất cả các khung cửa sổ của nhà cao tầng, thường là từ tầng 3 hoặc 5 trở lên đều là dạng cửa sổ lùa. Theo giải thích của một nhân viên quản lý tại cao ốc GP trên địa bàn Thủ Đức, thì các nhà thiết kế chọn mẫu cửa này do ở trên cao gió lớn, nếu dùng mẫu cửa sổ mở sẽ rất nguy hiểm do va đập dẫn đến tình trạng nứt, bể kiếng sẽ nguy hiểm cho người bên dưới. Tính đã đến đó nhưng khung bảo vệ thì lại không có. “Thật ra không có khung bảo vệ là nguy hiểm ai cũng thấy nhưng nhà đầu tư thường dành chi phí đó cho khách hàng nếu ai thắc mắc thì được khuyên nếu cần thì tự làm”, anh Hân - cựu cư dân của chung cư GP, kể. Thậm chí tại chung cư này, người dân có nhu cầu làm khung bảo vệ phải làm đơn xin và được ban quản lý đồng ý mới làm vì… làm không khéo mất thẩm mỹ chung cư.
Có quy định nhưng chẳng ai kiểm tra
Nhều chủ đầu tư thừa nhận là thiết kế của sổ đều do chủ đầu tư nghiên cứu, đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật. Còn chuẩn nào là an toàn cho ô cửa ổ cao ốc thì không có cơ quan nào xét duyệt. |
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành, thì lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở gara ôtô. Đối với công trình có trẻ em dưới năm tuổi sử dụng, thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính, thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Bên cạnh đó, quy định cũng nói rõ: nhà từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia lan can, lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,3m.
Quy định là vậy, song nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư có làm hay không lại là một chuyện khác. Về nguyên tắc, khi đưa một công trình cao ốc vào sử dụng là đã phải qua kiểm tra theo một quy trình khá ngặt, nhưng chỉ đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc, người ta mới lật Luật, mở quy định ra nghiên cứu tìm hiểu thì… mọi chuyện đã rồi. Theo KS Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành, nhiều khu chung cư, nhà cao tầng từ tầng thứ 10 trở lên vẫn có ban công, thậm chí 30 - 40 tầng vẫn có ban công. Nguyên nhân của tình trạng này là nếu xây lô gia, chủ đầu tư không tiết kiệm được diện tích. Có ý kiến cho rằng quy định an toàn đã có, nếu chủ đầu tư vi phạm, cơ quan kiểm tra vẫn để cho qua đưa vào sử dụng thì những cơ quan đơn vị này cũng phải lãnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Người dân chọn các cao ốc làm nơi cư trú ngày một nhiều, nhưng họ lại không được trang bị kiến thức đề phòng những mối nguy hiểm trong các tòa nhà. Để hỗ trợ người dân, các cơ quan chức năng cần áp dụng các quy định về đảm bảo an toàn tại các toà nhà chung cư. “Để thông thoáng thì lo sợ rơi rớt, làm lồng sắt bao trùm cả nhà lại không phù hợp với quy định phòng cháy chữa cháy… Cần có vai trò của các nhà thiết kế trong công tác này để cơ quan quản lý chuẩn hóa nó”, anh Hân nhận xét.
Trước khi “chuẩn hóa” chuyện an toàn cho các ô cửa sổ, nói theo ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Lê Thành, để đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, mỗi cư dân đang sinh sống tại chung cư phải tự thân kiểm soát những mối nguy cho gia đình mình.
Tùng Vinh
Theo baoxaydung.com.vn