(Xây dựng) - Ngày 9/7, tại Hà Nội, CBRE tổ chức sự kiện công bố tiêu điểm quý II/2019, với sự tham gia của các chuyên gia phân tích bất động sản (BĐS) trong và ngoài nước, cùng nhiều doanh nghiệp. Thông tin được chú ý nhất là nguồn cung nhà ở mặt đất tăng cao ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.
Toàn cảnh sự kiện.
Theo đó, Hà Nội vẫn đang là thị trường có nhu cầu và tiêu thụ BĐS sôi động nhất ở tất cả các phân khúc và các lĩnh vực bất động sản, từ chung cư cho đến nhà ở gắn liền với đất, văn phòng cho thuê và thị trường mặt bằng bán lẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, với loại hình chung cư thị trường Hà Nội ghi nhận 17.700 căn hộ mở bán mới, trong đó, quý II ghi nhận mở bán 6.400 căn. Phân khúc trung bình và bình dân chiếm khoảng 98% thị trường. Doanh số bán hàng tương đối khả quan, với trên 40% nguồn cung mở bán mới được tiêu thụ trong quý II.
Hoạt động mở bán tích cực và tiến độ xây dựng khả quan từ các dự án khu đô thị và dự án nhà ở riêng lẻ đã đóng góp vào doanh số bán hàng tích cực nửa năm 2019.
Nhà ở mặt đất: Nguồn cung cao ấn tượng
Còn với loại hình nhà ở gắn liền với đất, nửa đầu năm 2019, ghi nhận con số ấn tượng cho nguồn cung mới của thị trường tại Hà Nội khi đón nhận 3.241 căn mở bán. Số lượng căn mới mở bán trong 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn gần 1,5 lần so với tổng nguồn cung năm 2018, cho thấy thị trường ngày càng sôi động cũng như triển vọng thị trường hứa hẹn.
Cải thiện giao thông nội thành tiếp tục thúc đẩy sự mở rộng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất Hà Nội tới các địa điểm mới. Đã có một sự thay đổi lớn về phân bổ vị trí trong nguồn cung mới, với khu vực phía Đông hiện chiếm khoảng 80% tổng số căn mở bán trong 6 tháng đầu năm. Trong khi tổng nguồn cung vẫn chủ yếu đến từ khu vực phía Tây, sự dịch chuyển nguồn cung từ các quận chính tới các khu vực ngoại thành ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Sự hình thành các khu đô thị phức hợp có quy mô lớn gần đây cũng gia tăng sự cạnh tranh về mặt sản phẩm giữa các dự án ở gắn liền với đất. Dự đoán những tháng còn lại của năm 2019, chất lượng sản phẩm cao, sự đồng bộ về quản lý cũng như mức độ uy tín của các chủ đầu tư vẫn là những yếu tốt chính, ảnh hưởng lớn đến quyết định của cả nhóm khách hàng mua để ở và đầu tư.
Mặt bằng bán lẻ: 4 trung tâm thương mại gia nhập thị trường
Về thị trường mặt bằng bán lẻ, nửa đầu năm 2019 ghi nhận bốn dự án trung tâm thương mại (TTTM) đi vào hoạt động tại các vị trí mới ở ngoài khu ngoài trung tâm. Do đó, tổng nguồn cung thị trường này tại Hà Nội tăng thêm khoảng 65.700m2 và đạt hơn 930.000m2.
Về nguồn cầu thị trường ghi nhận niềm tin tiêu dùng đạt mức 129 điểm tương đương mức của quý III/2019. Các TTTM có thiết kế đẹp, hiện đại, tập trung mang đến trải nghiệm cho khách hàng, thêm vào đó là sự đầu tư cho công nghệ với dịch vụ giao hàng và các kênh mua sắm trực tuyến.
Sự kết hợp giữa chiến lược bán lẻ trực tuyến và truyền thống được dự báo tiếp tục diễn ra trong tương lai gần, góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ cũng như thu hút khách hàng tiềm năng.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia phân tích BĐS trong và ngoài nước, cùng nhiều doanh nghiệp.
Văn phòng cho thuê: Giá thuê tăng cao ở phân khúc hạng A, B
Với văn phòng cho thuê, trong quý II/2019 kết quả của thị trường ở cả hạng A và B đều diễn biến tích cực. Thị trường Hà Nội vẫn chứng kiến nhu cầu thuê văn phòng tích cực, chủ yếu đến từ các nhà công nghệ thông tin và các nhà cung cấp văn phòng linh hoạt với tỷ lệ hấp thụ đạt 21.500m2. Khoảng 260.000m2 dự kiến được mở trong năm 2019 - 2020.
Việc các tòa nhà văn phòng mới nằm trong cụm văn phòng lớn khu vực phía Tây hoặc Ba Đình, Đống Đa và nguồn cầu tốt từ nhiều ngành khác nhau, giá thuê trung bình được dự đoán tăng cao ở cả hai hạng.
Trước nhu cầu mạnh mẽ về mô hình xây theo yêu cầu, không gian làm việc linh hoạt được dự báo sẽ mở rộng mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2019 và trở thành nguồn cầu chính cho không gian văn phòng truyền thống.
Khánh Huyền
Theo