(Xây dựng) - Chuyến xe khách giường nằm từ Hà Nội ngược Lai Châu sớm nay đã đến giờ xuất bến, nhưng nhà xe cố ý chùng chình chờ bắt thêm ít khách. Lúc xe vừa chuyển động bỗng có hai cha con vị khách hối hả chạy lên. Xe rời bến, người đàn ông tuổi chừng 50 đặt bé gái xuống giường xe, tay tháo ba lô, miệng xuýt xoa mừng rỡ: “May quá, may quá, suýt nữa thì hai cha con phải ngủ lại qua đêm ở bến xe…”.
Thợ Lilama trên công trình.
Xe ngược Tây Bắc sáng nay đã là 24 tháng Chạp gần kề Tết Bính Thân. Từ Xuân Mai dọc theo QL6, xe càng chạy càng vắng vẻ thông thoáng, thi thoảng mới thấy vài chuyến xe hối hả về xuôi. Trời gần trưa, xe qua cao nguyên Châu Mộc, cha con người khách gặp may ban sáng đã thức dậy sau giấc ngủ no say. Anh đại tá nhà báo của Báo QĐND - bạn đồng hành với tôi nằm sát giường hai cha con vị khách hỏi chuyện:
- Gần Tết rồi, sao hai cha con còn ngược Tây Bắc?
Vị khách tên Thành cười nói tự nhiên:
- Quê tôi ở bên cầu Tân Đệ (Nam Định), phía bên sông là quê mẹ cháu (Thái Bình). Hôm qua 23 tháng Chạp, nhân cúng ông Công ông Táo, gia đình nội ngoại đã cho cha con tôi ăn Tết sớm để hai cha con rời quê. Tôi gửi thằng cu lớn ở nhà với ông bà nội, còn bé gái này cho lên với mẹ vài tháng cho mẹ cháu đỡ nhớ.
Bạn tôi lại hỏi:
- Thế mẹ của cháu đang công tác ở đâu?
- À, mẹ cháu làm thợ bê tông đầm lăn trên công trường Thủy điện Lai Châu!
Nghe vậy, tôi bật dậy chen miệng hỏi:
- Thợ bê tông? Hẳn là Xí nghiệp 9.08 ư?
Thành gật đầu, chợt ngờ ngợ như nhận ra đã từng gặp tôi ở đâu rồi. Câu chuyện về đập bê tông đầm lăn, về công trường xây dựng mỗi lúc một râm ran, sôi nổi. Có lẽ đây là lần đầu ông bạn đồng nghiệp của tôi lên tác nghiệp ở Lai Châu, anh chăm chú nghe Thành kể: “Em đã 4 năm làm đầm lăn trên thủy điện Sơn La, chuyên lái máy đánh sờm mà. Công việc hàng ngày phải cầm vô-lăng liên tục, thi công 24/24 hết ngày này sang tháng khác, không thể rời hiện trường. Cái món bê tông này lạ lắm, nó có hẳn một nhà máy chuyên sản xuất với đủ các loại cốt liệu theo thiết kế, một khi đã tiến hành rót đổ xuống mặt đập chí ít mỗi đợt cũng phải một vài trăm khối. Hơn 100 con người cùng với vài chục xe cơ giới các loại như máy xúc, máy ủi, máy gạt, máy đánh sờm cứ thế mà thay nhau ca nối ca, chỉ có thể ngưng đổ mỗi khi trời mưa rào hoặc chờ đợi khâu giám sát, kiểm định của chuyên gia tư vấn. 4 năm liên tục, tụi em gần như được “cố định” trên mặt đập, xe cộ chẳng có đường ra vì đập mỗi ngày một cao… 4 năm được nghỉ hai lần, một lần về quê, lần khác là về lo hồ sơ xin chuyển cho mẹ cháu về cùng một xí nghiệp. Đến Lai Châu hơn 3 năm rồi, đây là lần thứ nhất em về ăn Tết trước cùng hai bên cha mẹ rồi đón con cún này lên ăn Tết trên công trường…”.
Và quả thật! Khi gặp Giám đốc Xí nghiệp 9.08 Đinh Văn Đại, anh cho biết phải mất cả tháng Giêng mới hoàn tất hơn 100 nghìn khối bê tông nữa thì con đập mới nối thông hai bờ trái phải.
Lai Châu đó sương sớm mưa phùn, mây giăng kín núi, toàn công trình đang hiện diện trên phần đất gần 5.000ha khu vực Nậm Hàng của huyện Nậm Nhùn. Con đập dâng nước có chiều cao 110m, rộng bề đáy đến 90m được cánh thợ Sông Đà 9 đắp đổ bằng 1,9 triệu m3 bê tông với công nghệ đầm lăn - loại bê tông chuyên dụng chỉ được sản xuất từ một nhà máy do thợ Sông Đà 5 vận hành trên dây chuyền khép kín, “tậu” về từ CHLB Đức với giá ngót 25 triệu USD. Giám đốc Xí nghiệp 9.08 Đinh Văn Đại, Giám đốc Chi nhánh 5.06 Nguyễn Văn Vụ cùng các anh Bùi Văn Quang hay Trần Thanh Toàn là những chỉ huy bám trụ không rời mặt đập nửa ngày suốt bốn năm rưỡi qua. Nậm Nhùn là đất Mường Tè xưa cũ, nơi mà chính những người bản địa cũng ít khi qua lại. Khí hậu khắc nghiệt, mưa, nắng, bão giông thất thường; ngô, sắn trồng không đủ ăn. Nậm Hàng hôm nay đã thành thị trấn, ngân hàng, bưu điện, viễn thông, phố chợ sầm uất tấp nập, giao thông thông suốt bằng những cây cầu vĩnh cửu mới bắc qua sông, suối cùng với 157km đường bê tông át-phan phẳng lỳ rộng mở thênh thang chạy từ Điện Biên vào, Sơn La lên. Thời gian chỉ mất một đêm cho người từ Hà Nội lên và từ Lai Châu xuôi về thay vì xưa cũ phải đi ròng rã 2 - 3 ngày đêm lắc lư, vật vã!
Lai Châu đó, hiện nay vẫn đang còn hơn 700 thợ Lắp máy Việt Nam vừa vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng, vừa chế tạo và lắp đặt hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc vào vị trí 3 tổ máy mỗi tổ 400MW. Khi còn làm ở Sơn La, người thợ cả Nguyễn Thế Trinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là người nổi tiếng về chỉ huy thi công nhanh nhạy, sáng tạo chỉ với khoảng thời gian 4 tháng đã lắp xong 1 tổ máy.
Những người thay thế làm kỹ thuật, chỉ huy thi công đã tiếp nối truyền thống tay nghề vững vàng, nhanh nhẹn không kém lớp đàn anh đi trước. Họ đang phấn đấu để Lai Châu rút ngắn thời gian thi công nhằm hoàn thành lắp đặt thiết bị các tổ máy trước hạn định 1 năm. Tết này, trên công trường Lai Châu vẫn duy trì hàng nghìn người thợ, chủ yếu là thợ chế tạo và lắp đặt thiết bị các hạng mục cửa nhận nước, các tổ máy số 2 và số 3, thợ khoan - phun chống thấm, đổ bê tông và hoàn thiện mái đập. Lãnh đạo các Ban quản lý, Ban điều hành công trường đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo phương tiện cho những người thợ được nghỉ phép về quê và những người ở lại thi công trên công trường. Cặp vợ chồng anh Bùi Văn Tâm - thợ điện nước Sông Đà 11 có con gái nhỏ đã đăng ký trực thi công trong dịp Tết, cùng các kíp thợ sẵn sàng cung cấp nước - điện cho thi công Tết ở hiện trường đến gian máy. Tâm nói: “Ở đây chúng em sẽ không phải lo gì về mâm ngũ quả, hoa, bánh, bởi cái mùi vị Tết cũng sẽ đầy đủ như dưới xuôi”.
Cánh thợ trẻ Lilama 10 đang thu dọn bãi tập kết thiết bị những năm trước để làm sân bóng chuyền, bóng đá tổ chức giao hữu với các đơn vị bạn chiều mùng 1 và sớm mùng 2 Tết khi đã được nghỉ thay ca. Sân cầu lông của các đơn vị Sông Đà 5, Sông Đà 7 hay sân tennis ở Ban Điều hành đều đã được tu sửa lại nhằm làm tăng không khí Tết trên công trường.
Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào nước ta theo hướng Tây Bắc đi qua địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình. Dòng chảy sông Đà có lưu lượng nước lớn cung cấp đến 31% lượng nước cho canh tác và tiêu dùng cả vùng châu thổ sông Hồng. Sông Đà xưa cũ cũng vô cùng hung dữ mỗi mùa mưa lũ từ thượng nguồn đổ về. Cuối năm 1993, khi 8 tổ máy thủy điện được lắp đặt xong trong lòng núi đá cùng với con đập khổng lồ chặn đứng dòng chảy hung dữ ngay đoạn sông nằm giữa TP Hòa Bình ngày nay. Sau 15 năm xây dựng, với sự góp sức của hơn 30 nghìn người thợ Việt Nam và hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã xây lắp thành công một nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á thời điểm ấy.
Thời kỳ hội nhập, đất nước đổi mới, Quốc hội nước ta đã thống nhất cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất lớn hơn thủy điện Hòa Bình tới 500MW nữa với con đập nước chặn dòng chảy sông Đà đoạn địa bàn xã Ít Ong, huyện Mường La. Bằng trí tuệ và sự nỗ lực lao động của cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động cùng với công nghệ thi công mới, tháng 12/2012 chúng ta đã đóng điện thành công lên lưới điện quốc gia thêm một nhà máy lớn nữa mang công suất 2.400MW lập nên nhiều kỷ lục, công trình đã về đích trước 2 năm so với thời hạn yêu cầu của Quốc hội đề ra, làm lợi cho kinh tế đất nước hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Sẽ không lâu nữa, nội trong Tết Bính Thân này thôi, những người thợ Việt Nam sẽ lập thêm kỳ tích mới đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về ý chí tự lực, tự cường về lòng dũng cảm, mạnh dạn tiến công vào công cuộc xây dựng, tạo hiệu quả to lớn, thành công đưa nốt nhà máy sản xuất ra 1.200MW điện năng cuối cùng hòa vào lưới điện quốc gia, lập nên cú “hat-trick” trị thủy sông Đà thắng lợi.
Đêm Nậm Hàng, tháng Chạp năm Mùi
Nguyễn Tất Lộc
Theo