Ông Giang Văn Đối |
Sơn La - một tỉnh đặc biệt khó khăn của vùng núi Tây Bắc, nơi còn nhiều khó khăn với hàng nghìn gia đình các dân tộc thuộc diện hộ nghèo thì Chương trình 167 thực sự mang đến niềm vui lớn cho những gia đình nghèo. Để hiểu rõ việc thực hiện và kết quả của chương trình tại Sơn La, PV báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Giang Văn Đối - Phó giám đốc Sở Xây dựng Sơn La.
Tỉnh Sơn La tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như thế nào, thưa ông?
- Xác định đây là chương trình quan trọng rất có ý nghĩa, là chính sách của Đảng và Chính phủ đối với người nghèo, nên UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, TP thành lập ban chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm các thành viên. Ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Xây dựng là Phó ban. Sở Xây dựng được giao là cơ quan thường trực. Giám đốc Sở LĐTB&XH là Phó ban, lãnh đạo các ngành có liên quan là thành viên. Cấp huyện thành phần Ban chỉ đạo cũng tương tự, trong đó phòng Kinh tế Hạ tầng là cơ quan thường trực. UBND cấp huyện hướng dẫn cấp xã kiện toàn “Ban giảm nghèo xã” tổ chức thực hiện tại xã.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn đã được tập huấn các xã tổ chức bình xét đối tượng theo đúng tiêu chuẩn với sự giám sát, hướng dẫn của ban chỉ đạo cấp huyện. Xã lập Đề án kèm theo biểu mẫu phân loại đối tượng gửi về huyện, huyện kiểm tra, rà soát, tổng hợp thành Đề án của huyện gửi Sở Xây dựng rà soát Dự thảo Đề án của tỉnh gửi thành viên Ban chỉ đạo tham gia chỉnh sửa, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; Gửi lại các huyện, thành phố làm căn cứ tổ chức thực hiện; Gửi BCĐ TW, cơ quan thường trực Bộ Xây dựng làm căn cứ bố trí vốn.
Giai đoạn đầu khi lập Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt trong điều kiện yêu cầu tiến độ gấp, chưa có hướng dẫn của thông tư liên bộ và hướng dẫn bổ sung của Bộ Xây dựng trong khi năng lực cán bộ cấp xã còn yếu, không đồng đều vì vậy có phần lúng túng, và có sai sót phải bổ sung rà soát nhiều lần. Sau đó, Ban chỉ đạo tỉnh kiểm tra và yêu cầu các huyện tự kiểm tra để kiên quyết loại khỏi danh sách những đối tượng không đúng tiêu chuẩn và bổ sung các hộ đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, trong 3 năm thực hiện Chương trình 167, UBND tỉnh đã có 2 Quyết định bổ sung điều chỉnh so với quyết định ban đầu chưa chính xác. Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 30/05/2011 điều chỉnh, bổ sung tổng số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 26.477 hộ.
Kết quả đến nay Sơn La đã đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ?
- Luỹ kế từ đầu chương trình đến hết tháng 12/2011 hoàn thành việc hỗ trợ cho 22.123 căn nhà (bằng 131,57% so với Quyết định ban đầu và bằng 83,56% theo Quyết định điều chỉnh bổ sung). Đã huy động được 342,913 tỷ đồng để giúp người nghèo làm nhà. Trong đó, vốn ngân sách TW cấp 221,743 tỷ đồng; vốn vay Ngân hành chính sách xã hội 104,833 tỷ đồng; vốn huy động khác 16,337 tỷ đồng (không tính vốn huy động do tổ chức, đoàn thể, cộng đồng thôn bản, dòng họ, hỗ trợ từ vật tư, công lao động quy ra tiền, thực tế bình quân khoảng 8 triệu đ/hộ).
Đây là chính sách của Đảng và Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở với mục tiêu xoá đói giảm nghèo rất hợp lòng dân được nhân dân phấn khởi đón nhận, các cấp các ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Thực tế tổ chức thực hiện tại cơ sở thôn bản tăng thêm tình đoàn kết, trách nhiệm, nhân ái trong dòng họ, công đồng dân cư.
Ngôi nhà 167 của ông Tòng Văn Chính, bản Hua Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La được xây dựng xong vào năm 2010. |
Khi thực hiện Chương trình, những khó khăn mà Sơn La gặp phải là gì?
- Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi thực hiện chương trình, vì Sơn La là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí còn thấp, giao thông trắc trở, khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Vốn hỗ trợ, vốn cho vay thấp so với tiêu chí cải thiện nhà ở và thực tế điều kiện giá cả vật liệu, chi phí vận chuyển, điều kiện huy động các nguồn vốn khác rất khó khăn trên địa bàn tỉnh, huyện, xã, bản và cộng đồng.
Nhà của đồng bào dân tộc trên địa bàn phổ biến là nhà sàn làm bằng gỗ. Trong khi đó, nhiều địa phương không còn rừng, không có gỗ để sửa chữa, nâng cấp, nếu thay vật khác (xây, cột bê tông) chi phí quá lớn hộ nghèo không đủ khả năng tài chính. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2012, về cơ bản chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ những hộ nghèo trong tỉnh xóa bỏ xong nhà dột nát cho người nghèo.
Được biết mới đây, ông cùng đại diện một số sở, ngành của tỉnh Sơn La đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình 167 trên địa bàn tỉnh. Xin hỏi, ông có ghi nhận gì qua chuyến kiểm tra này?
- Nhìn chung báo cáo của các huyện cơ bản sát với thực tế kiểm tra, các xã làm tốt là các xã huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể của xã vào cuộc. Đến nay, các hộ đã xây dựng, cải tạo xong là những hộ có sự chuẩn bị từ trước, còn những hộ đã nhận hỗ trợ, nhưng chưa sửa sang, nâng cấp hoặc dựng mới nhà là những hộ đặc hiêt nghèo. Chúng tôi đang tìm giải pháp hỗ trợ cho họ trong năm 2012.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Khánh Hưng - Trần Phong (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn