(Xây dựng) - Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo "Bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, minh bạch hóa thị trường bất động sản" do Báo Thanh niên tổ chức sáng 14/6 tại TP HCM.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM phát biểu tại Hội thảo.
Để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, các đại biểu cho rằng, phải có chế tài để quản lý cho được việc các chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng. TP HCM cần thực hiện ngay các giải pháp như: Tăng cường kiểm tra tính pháp lý của dự án; quản lý chặt trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Cơ quan công chứng cần thẩm định kỹ hồ sơ trước khi công chứng hợp đồng giao dịch giữa các bên mua, bán nhà. Các chủ đầu tư phải công khai dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi dự án được triển khai cho người dân biết.
Hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố đang rà soát lại toàn bộ các dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và chưa cấp giấy chứng nhận cho người dân để có hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.
Đối với việc tranh chấp giữa người dân và ngân hàng trong các khung cư đã bị chủ đầu tư thế chấp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: “Trường hợp chủ đầu tư còn tài sản riêng chưa được chứng nhận sở hữu tài sản thì chúng tôi là cơ quan cấp giấy chứng nhận, chúng tôi sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư. Tài sản này sẽ trở thành tài sản thế chấp thay cho tài sản thế chấp căn hộ mà chủ đầu tư đã thế chấp cho các tổ chức tín dụng”.
Cũng theo ông Thắng, từ đầu năm đến nay, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố đã tiếp nhận 73 dự án nhà ở với gần 15 ngàn căn hộ, 50% trong số đó đã được giải quyết cấp giấy chứng nhận. Tại TP HCM, hiện có hàng trăm dự án hình thành trong tương lai đang được mở bán. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì không thể biết và ngăn chặn chủ đầu tư cố ý bán nhà khi chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, một số ngân hàng đã cho vay thiếu kiểm soát đối với các chủ đầu tư.
Trên thực tế, việc khách hàng mua các dự án này ẩn chứa nhiều rủi ro bởi hầu hết các chủ đầu tư đã lấy dự án đó để thế chấp, huy động tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu dự án chậm triển khai hoặc chủ đầu tư mất khả năng tài chính thì người mua có khả năng không nhận được nhà và mất tiền. Việc này đã xảy ra trên địa bàn TP HCM trong thời gian qua là một minh chứng.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nhìn nhận: Chỉ có một môi trường lành mạnh mới có khả năng sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường, khi đó quyền lợi của người mua may ra mới được đảm bảo vì đã loại trừ được những “con sâu” ra khỏi cuộc chơi.
Những vấn đề đặt ra tại hội thảo một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo khi có nhiều chủ đầu tư làm ăn thất tín đẩy khách hàng vào chỗ “sống chết mặc bay”, nhất là những sự cố vừa mới xảy ra gần đây trên địa bàn TP.
“Về thực thi pháp luật, có khi còn chưa nghiêm túc kiểm tra, xử phạt. Có những sai phạm xảy ra cách đây 10 năm, nếu xử lý nghiêm từ đầu thì sẽ không có những vụ việc gây hậu quả như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, cũng chưa chặt chẽ trong quản lý và trình độ quản lý chưa ngang tầm với sự phát triển của thị trường bất động sản của TP. Mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm, các cơ quan chức năng phải kiểm tra và xử lý một cách triệt để theo quy định của phát triển nhưng phải theo quan điểm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng trên hết”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cao Cường
Theo