Nghệ thuật tranh kính ra đời từ sớm và rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Đó là loại tranh ghép bằng những mảnh kính màu lại với nhau. Ước ao một loại tranh kính mới được ứng dụng rộng rãi trong trang trí nội ngoại thất đã thúc giục chàng trai trẻ Phạm Hồng Vinh sáng tạo. Và một loại hình độc đáo - tranh điêu khắc trên kính - đã ra đời.
Ông Phạm Hồng Vinh.
Từ hành trình nghề
Tiếp tôi là một người đàn ông trung niên, bộc trực và cởi mở. Câu chuyện đến với nghề kính điêu khắc ông dành kể cho tôi hôm nay đầy vơi, thăng trầm của hành trình “khai sinh” nghề.
Sau 5 năm làm trọng tài kinh tế tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), ông xin nghỉ để đi học nghề sứ. Năm 1988, Cty sứ Hoàng Hải bị phá sản, ông bắt tay làm đá mài kính đầu tiên của Việt Nam và… lại thất bại lần thứ 2. Nhưng chính lần thất bại này là bước ngoặt để Phạm Hồng Vinh cho ra đời sản phẩm tranh kính điêu khắc nghệ thuật mới mẻ.
Ông bồi hồi nhớ lại: Nếm trải bao thất bại cho đến tận khi chế tạo ra được máy mài kính phẳng tôi mới bắt tay mài tranh nhưng lúc đầu khổ tranh chỉ 0.5m2. Sau 6 năm ròng rã, lần đầu tiên bức tranh kính điêu khắc khổ trên 1m2 đã ra đời, được bán với giá 1,2 triệu đồng (6 chỉ vàng ngày ấy) tôi đã rất hạnh phúc. Lúc đó, tôi biết mình đã chạm tay vào giấc mơ rồi.
Đăng ký thương hiệu kính nghệ thuật COBA năm 2004, Cty bắt tay thực hiện chiến lược xây dựng COBA chuyên nghiệp hơn và khẳng định vị thế hàng đầu về kính điêu khắc nghệ thuật và gương trang trí tại Việt Nam. Hơn 20 năm trong nghề nhưng giải thưởng chưa đếm đủ hết mười đầu ngón tay khiến tôi khá tò mò khi tìm hiểu các sản phẩm của COBA. Ông Vinh thẳng thắn chia sẻ: Chúng tôi không có những tủ kính xếp đầy giải thưởng. COBA xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm và sự tín nhiệm của người tiêu dùng chứ không phải sưu tập danh hiệu. Và ông đã thành công!
Các công trình sử dụng kính nghệ thuật điêu khắc không chỉ là những bức tranh nhỏ treo tường, vách kính, trần nhà mà những công trình sử dụng tranh kính khổ lớn gửi đơn đặt hàng về COBA như khách sạn Hoàng Gia - Bắc Ninh; rạp Kim Đồng, showroom Auto Hải Dương, chùa Bái Đính, khách sạn con Rồng - Hồ Tây…
Nằm trên con phố Lý Thường Kiệt (Hà Đông), showroom COBA ngày ngày rực sỡ sắc màu. Người thưởng tranh cảm nhận được sự hòa quyện tinh tế hiện đại và dân tộc đan xen ở mỗi tác phẩm: tranh Tứ bình, Thủy mặc mang hơi thở phương Đông; tranh Đông Hồ, Lý ngư vọng nguyệt dân gian Việt Nam; tranh theo trường phái phục hưng, trừu tượng…. Nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi biết các đường nét điêu khắc hoàn toàn thủ công và 7 công đoạn làm tranh đều được thực hiện trên mặt vẽ ngược. Những người thợ gắn bó lâu năm với Cty cho biết: công đoạn khó nhất chính là sơn hấp màu. Không những mỗi chúng tôi phải luôn cẩn thận thực hiện các thao tác mà còn phải tự trang bị cho mình thêm sự hiểu biết, nhạy cảm về mỹ thuật và màu sắc nữa. Như vậy thì bức tranh ra đời mới có hồn, có sắc.
Không tự bằng lòng với mình, ông đang cho cải tiến tranh kính 1D sang 3D hướng tới sự thỏa mãn con mắt và hưởng thụ đẳng cấp chơi tranh chuyên nghiệp cho khách hàng. Ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng vị giám đốc ấy luôn bùng cháy và có thể lan truyền ngay tới người đối diện. Vợ ông thi thoảng lại cằn nhằn: người gì mà cứ mở mồm ra kính, yêu kính, mơ kính mê mải quá có lúc quên mất cả vợ con… vì kính. Ông chỉ cười hà hà, xuê xoa khi bị mắng. Chiều chiều, ông thư thả bách bộ ra quán nước đầu ngõ làm chén nước chè, hàn huyên cùng mấy anh bạn hàng xóm. Ngồi được lát, đứa cháu nhỏ đã chạy ra làm nũng đòi ông dắt đi dạo chơi.
Đến giấc mơ làng nghề
Chưa phải loại doanh nghiệp “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nhưng điều khiến ông luôn tự hào chính là sự đoàn kết của tập thể CBCNV- những con người đã sát cánh cùng ông qua bao năm xây dựng COBA lớn mạnh. Ông bảo, nếu không có sự tiếp sức của họ, có lẽ ông đã phải dừng bước giữa hành trình rồi.
Ước vọng cháy bỏng của ông bây giờ là đưa nghề điêu khắc kính hiện đại vào danh mục làng nghề Việt Nam và xây dựng được làng nghề để truyền dạy cho thế hệ sau. Mấy năm rồi, ông vác hồ sơ đi khắp nơi, gõ cửa Hiệp hội kính, Hiệp hội làng nghề Việt Nam… để nghề mới được công nhận trong hệ thống làng nghề Việt Nam. Câu trả lời ông chờ đợi vẫn nằm dài trong im lặng.
2 lần trắng tay với tranh kính, tôi đã hỏi ông có sợ “quá tam ba bận” hay không khi đang mơ một giấc mơ quá lớn? Giọng nói đầy quyết tâm, ông tự tin đáp: Tôi cả đời đeo đuổi sáng tạo cái mới không mệt mỏi. Chặng đường phía trước còn đầy chông gai, tôi mong sao có thể nhận thêm sự giúp đỡ từ các cấp, ngành để nghề kính chính thức được thừa nhận và đặt đúng vị trí trong hệ thống làng nghề Việt Nam. Sự công nhận ấy không vì riêng tôi mà quan trọng hơn là sự khai sinh một nghề mới, hiện đại, kết tinh từ tài hoa, óc sáng tạo của con người Việt Nam.
Ông luôn tin giấc mơ đó sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa như ông đã từng hiện thực hóa ước mơ của mình khi sáng tạo ra bức tranh kính đầu tiên.
Thanh Phong
Theo baoxaydung.com.vn