(Xây dựng) - Những người lính Biên phòng đang công tác trên huyện đảo Cồn Cỏ, các anh đang thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió dù đời sống ở đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng, nước sinh hoạt cạn kiệt vào mùa khô. Nhưng các anh vẫn chắc tay súng kiên trung vững niềm tin bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc nơi được coi là “cột mốc” vững chắc để vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam.
Sự vui mừng đoàn tụ của gia đình chiến sĩ Nguyễn Đình Nam
Cồn Cỏ tên gọi thân thương của hòn đảo với diện tích 2,3 km cách đất liền 15 hải lý từ Cảng Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau hơn 2 tiếng chồng chềnh trên sóng nước chúng tôi đã nhận ra Cồn Cỏ. Lần này chúng tôi ra đảo và đến đồn Biên phòng Cồn Cỏ vào buổi chiều khi các anh đang chuẩn bị bữa cơm tối. Được các anh chào đón và mời dùng cơm trong không khí thân tình, mộc mạc. Ngạc nhiên và lấy làm thú vị, khi được biết để có những bữa cơm có đủ rau xanh các anh đã tăng gia sản xuất tự trồng trọt trên diện tích trong khuôn viên đồn Biên phòng. Nhìn những luống rau xanh mướt, luống dưa hấu còn sót lại những trái dưa đỏ cuối vụ được các anh trân trọng bổ mời khách là sự cố gắng chăm sóc của những chiến sĩ ở đây. Vì để có những vườn rau xanh mướt vào mùa khô là điều rất khó vì nguồn nước ngọt dùng để sinh hoạt vẫn còn thiếu. Nên các anh đã tận dụng nguồn nước dùng, chắt chiu từng giọt nước ngọt để đợi mùa mưa đến quay vòng cho quá trình tích trữ nước.
Ở đảo vấn đề dùng nước ngọt và sử dụng điện được mọi người tuân thủ theo một quy tắc nghiêm ngặt nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước và nguồn điện chiếu sáng. Tại đồn Biên phòng Cồn Cỏ có ba vị trí đặt bồn chứa nước mưa, tất cả được hơn 300 khối nước. Tuy nhiên, các chiến sĩ phải sử dụng thật tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Vì đến khoảng tháng 4 là nguồn nước đã bắt đầu cạn. Nên chỉ đủ trữ lại dùng cho ăn uống. Còn lại phải dùng nguồn nước khoan, có vị lơ lớ mặn như cách các anh nói và chúng tôi được trực tiếp cảm nhận vị nước rất riêng ở trên đảo vẫn sử dụng.
Anh Phan Mạnh Trường – Chính trị viên đồn Biên phòng Cồn Cỏ, cho biết: Nước ngọt được dự trữ từ tháng 10 đến tháng 11 sau đó dùng dần cho đến tháng 4 năm sau. Mỗi chiến sĩ tại đồn biên phòng đều quý từng ngụm nước ngọt ở trên đảo và sử dụng dè xẻn từng ca nhỏ trong sinh hoạt. Còn nguồn điện là điều đặc thù ở đảo. Hiện nguồn điện phục vụ trên đảo Cồn Cỏ được chạy bằng dầu diezen nên lịch dùng điện của quân và dân trên đảo từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 2 giờ chiều đến 12 giờ tối. Do đó, vấn đề sử dụng điện phải được tuân thủ nghiêm ngặt tránh lãng phí. Vào mùa mưa bão tàu thuyền không thể ra vào giữa đất liền và đảo, cùng với đó các anh em trong đơn vị không thể tự đánh bắt hải sản vì biển động nên phải dự trữ nguồn thức ăn khô. Vì nguồn điện không được kéo dài nên lượng thức ăn tươi cũng khó đảm bảo khi sử dụng nguồn thức ăn đông lạnh đưa từ đất liền ra từ trước mùa mưa bão.
Do đó, chiến sĩ ở đồn Biên phòng đã tự chăn nuôi và trồng trọt, chủ động nguồn thức ăn vì vậy nguồn thức ăn tự cung tự cấp chiếm số lượng lớn. Để đảm bảo nguồn thức ăn và chế độ dinh dưỡng cho các chiến sĩ, hiện các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Cồn Cỏ chăn nuôi hơn 30 con lợn, một bầy dê hơn 50 con và hàng trăm con gà nhằm tạo nguồn thức ăn giúp các chiến sĩ cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Hôm chúng tôi đến các anh trong đồn Biên Phòng Cồn Cỏ đã thân tình mời chúng tôi cùng ăn bữa cơm chiều và đã hát tặng chúng tôi những bài hát về lính đảo. Giữa tiếng sóng trùng khơi lời ca các anh cất lên thật thân thương vang xa giữa gió biển mênh mông xua đi cái vắng vẻ và sự tịch u trên đảo khi về đêm.
Tình cờ, khi chúng tôi đến thăm thì được nhìn thấy cảnh đoàn tụ của gia đình chiến sĩ Nguyễn Đình Nam và vợ Nguyễn Thị Lan. Chị Lan đưa con trai hơn 2 tuổi ra thăm bố. Chị kể đây là lần thứ hai chị ra thăm anh sau 4 năm trước ngày cưới. Nhìn cháu quấn quýt bố chúng tôi mới thấy sự hy sinh và nhiệm vụ thiêng liêng của các anh ngày đêm canh giữ vùng biển đảo tiền tiêu của tổ quốc. Chị Lan kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình lãng mạn của hai người và những lần gặp gỡ anh vội vàng của những lần nghỉ phép ít ỏi. Tình yêu anh chị lớn dần theo ngày tháng và nảy nở theo niềm tin sự ngưỡng mộ của chị đối với người lính nơi đảo xa. Anh Nam đã có hơn 5 năm công tác trên đảo Cồn Cỏ. Số lần anh về đất liền thăm nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nghe chị Lan tâm sự, chúng tôi càng thấu hiểu thêm đức hy sinh của những người vợ lính đảo. Họ phải tự lo lắng chu toàn cuộc sống ở đất liền khi trong gia đình vắng bàn tay chăm sóc của người chồng, người cha.
Chúng tôi còn được trò chuyện, lắng nghe những tâm tư tình cảm và sự bộc bạch của những người lính tuổi chỉ vừa mười tám đôi mươi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trên đảo và về nỗi nhớ nhà da diết. Nhưng với nhiệm vụ cao cả họ đã gạt niềm riêng ấy vào góc khuất nào đó trong trái tim, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo tổ quốc. Chính sự tôi luyện của người lính đã giúp cho những chàng trai tuổi vừa mới đôi mươi trở nên rắn rỏi và chín chắn hơn so với tuổi.
Lắng nghe và được trực tiếp cảm nhận cuộc sống của người lính trên đảo vốn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về những gì mà các anh đang trãi qua nhưng đặt trên tất cả là nhiệm vụ thiêng liêng, niềm tự hào, trọng trách to lớn mà tổ quốc tin tưởng giao phó cho các anh, những người lính Biên phòng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Phan Bảo Hòa
Theo