Doanh thu hàng năm tăng theo cấp số nhân, thu nhập bình quân tăng 150%/năm... là con số mà nhiều DN phải mơ ước và cũng rất khó để làm được. Nhưng đó lại là kết quả của một đơn vị trong lĩnh vực khoa học công nghệ - Trung tâm Tư vấn chống ăn mòn và xây dựng (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng). Chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm - với người đứng đầu là TS Phạm Văn Khoan đã đưa đơn vị thẳng tới thành công nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học.
TS Khoan chia sẻ: Năm 2007, Trung tâm được thành lập dựa trên phòng nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ công trình với 18 người. Đây cũng là lúc mà Trung tâm được phân cấp tự chủ hạch toán theo NĐ 115 của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, có con dấu, tài khoản riêng. Thế là, những nhà khoa học vốn chuyên làm nghiên cứu nay lại phải tìm hướng đi mới cho mình, để có thể vừa nghiên cứu khoa học, vừa đảm bảo sự phát triển của Trung tâm.
Nhưng đây lại là thời điểm mà điều kiện thị trường hết sức khó khăn, đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới và trong nước bước vào suy thoái. Trung tâm lại mới được thành lập. Song đứng trước khó khăn nối tiếp khó khăn ấy, nhà khoa học và cũng là người lãnh đạo Trung Tâm - Giám đốc, TS Phạm Văn Khoan lại lạc quan hơn. Ông tâm sự: Tôi nghĩ đây lại là thời cơ tốt cho sự phát triển của đơn vị, dù không dễ dàng gì. Tôi đã tìm hiểu kỹ NĐ 115 về quyền tự chủ của các đơn vị, về cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước và của Viện KHCN Xây dựng để tìm ra hướng đi phù hợp, bền vững cho mình. Tôi nhận thức rõ rằng hướng đi và đột phá khẩu cho sự phát triển của Trung tâm chính là chủ động đầu tư công nghệ và vật liệu mới cho lĩnh vực chống ăn mòn và bảo vệ công trình, bám sát với định hướng phát triển lâu dài của Trung tâm trong chiến lược phát triển tổng thể của Viện KHCN Xây dựng.
Đến giữa tháng 9/2007, TS Khoan đã cùng các đồng nghiệp tìm hiểu và tiếp cận được công nghệ chống ăn mòn mới bằng vật liệu phủ polyurea - dùng để chống thấm, chống ăn mòn, chống mài mòn, chống dính, chống nứt cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Đây là loại vật liệu có khả năng khô rất nhanh chỉ sau 20 giây, bám dính tuyệt hảo trên bề mặt bê tông, thép và các vật liệu khác, khả năng chống thấm, chống ăn mòn, chống mài mòn rất tốt, đặc biệt bền vững dưới tác động của các điều kiện khắc nghiệt (axit, xút, dầu mỡ, môi trường biển) với tuổi thọ trên 50 năm. Polyurea được đánh giá là loại vật liệu phủ tiên tiến hàng đầu thế giới, rất thích hợp làm lớp phủ mặt bảo vệ kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép trong các loại công trình xây dựng. Nó lại được làm từ gốc polyurea nên không độc hại với con người và môi trường. Công nghệ này đã và đang được áp dụng rất có hiệu quả ở các nước phát triển trên thế giới, nhưng chưa có ở Việt Nam.
Sau khi tự bỏ kinh phí đi tham quan và tìm hiểu công nghệ mới này tại Hàn Quốc, TS Khoan cùng anh em đã phối hợp với các Cty Hàn Quốc tổ chức một số hội thảo về khả năng ứng dụng vật liệu polyurea ở thị trường Việt Nam. Tiến sỹ cũng đã chủ trì bàn thảo nhiều lần với đội ngũ lãnh đạo và CBCNV Trung tâm và được tập thể đồng tình ủng hộ cùng góp vốn cổ phần để đầu tư bộ thiết bị công nghệ mới từ Hàn Quốc với kinh phí là 100.000 USD và 50.000 USD vật liệu polytop PT 200.
Có thiết bị và vật tư, làm chủ công nghệ, hiểu rõ hiệu quả áp dụng công nghệ vào thực tế rồi, nhưng cái khó lại là đầu ra. Suốt mấy tháng trời, TS Khoan lại cùng với anh em cán bộ trong Trung tâm tích cực quảng bá, tiếp thị sản phẩm tới các DN. Và phải đến tháng 6/2008, sau bao vất vả, cuối cùng Trung tâm cũng ký được Hợp đồng đầu tiên trị giá 3,5 tỷ đồng, tiếp theo là một số hợp đồng khác với trị giá khoảng trên 3,5 tỷ đồng. Đến năm 2009, Trung tâm lại có thêm một số hợp đồng lớn với tổng giá trị các hợp đồng từ công nghệ mới đạt hơn 25 tỷ đồng. Thành công này đã khích lệ những người làm khoa học về hướng đi đúng của mình, nên Trung tâm mạnh dạn đầu tư thêm 3 bộ thiết bị mới, đảm bảo đáp ứng khả năng thi công khoảng 50 - 60 tỷ đồng/năm. Đến tháng 8 vừa qua, Trung tâm đã nâng tổng số CBCNV lên 22 người và đã ký hợp đồng được trên 45 tỷ đồng.
Bằng việc đầu tư áp dụng công nghệ mới, Trung tâm không những tự chủ về tài chính, mà còn tạo được sự phát triển vượt bậc, đời sống của CBCNV được nâng cao, thu nhập bình quân của Trung tâm trước khi áp dụng công nghệ mới là 4 triệu đồng/người; năm 2008 (bắt đầu triển khai áp dụng công nghệ mới) là 7,5 triệu đồng/người; năm 2009 là 10,5 triệu đồng/người và năm 2010 dự kiến là 15 - 18 triệu đồng/người. Nhờ vậy, toàn thể CBCNV trong Trung tâm đều phấn khởi, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Giám đốc Trung tâm và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ này trong tương lai, hăng say lao động và tích cực triển khai áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào thực tiễn.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, TS Khoan cho biết, bài học chúng tôi rút ra là, đối với một đơn vị nghiên cứu khoa học, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, phù hợp điều kiện Việt Nam sẽ tạo ra đột phá nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đây là cách thi đua thiết thực để thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng về việc chuyển hoá các Viện nghiên cứu thành các tổ chức khoa học tự chủ và tự trang trải kinh phí theo NĐ 115 của Chính phủ.
Phạm Bùi
Theo baoxaydung.com.vn