Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể trình tự, thủ tục các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn.
Qua công tác lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất với 956.276 lượt. Đây là một nội dung có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hệ thống an sinh xã hội nên được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết, Hiến pháp quy định rõ Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết theo luật định.
“Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, ông Đào Trung Chính cho hay.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT). |
Theo ông Đào Trung Chính, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những điểm đổi mới căn bản về công tác thu hồi đất.
Thứ nhất, quy định rõ Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ hai, quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để Nhà nước thu hồi đất. Các tiêu chí để thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh chính là các công trình được liệt kê tại Điều 78 của dự thảo Luật.
Thứ ba, quy định cho phép thu hồi đất để xây dựng các công trình sự nghiệp được xã hội hóa như y tế, giáo dục, thể dục thể thao… không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hay nguồn vốn tư nhân.
Thứ tư, quy định cụ thể trình tự, thủ tục các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, người có đất bị thu hồi được xem xét tái định cư trước khi thu hồi đất.
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định người dân được tham gia ngay từ khi có dự án. UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có liên quan, tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân”, ông Chính cho hay.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm mới về thu hồi đất. (Ảnh minh họa) |
Tại bước thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, người dân được tham gia phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thống kê, phân loại diện tích đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất thu hồi. Đồng thời xác định nguồn gốc đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề.
Tại bước lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người dân được tham gia thông qua việc tổ chức lấy ý kiến bằng việc niêm yết công khai, họp trực tiếp, đối thoại.
Đồng thời, quy định UBND cấp có thẩm quyền được ban hành quyết định thu hồi đất trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong các công việc liên quan đến bố trí tái định cư.
Thứ năm, quy định rõ và phân biệt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Việc thỏa thuận bằng quy định về thứ tự ưu tiên thực hiện nếu quỹ đất đáp ứng các điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.
Theo Bảo Khánh/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-duoc-tham-gia-o-nhung-giai-doan-nao-khi-bi-thu-hoi-dat-2157250.html