Thứ năm 16/01/2025 11:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”:

Người dân đã bắt đầu quen

16:10 | 27/09/2012

Sau 3 năm phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt đã tăng lên rõ rệt. Theo khảo sát, hiện đã có tới 71% người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam.

Đặc biệt, trong các kênh bán lẻ hiện đại, tỷ trọng hàng Việt chiếm từ 70 – 90%, có nơi tới 100%. Hiện tại, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm hơn 20% thị trường bán lẻ, nhưng tiềm năng rất lớn khi dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm 40% thị trường bán lẻ cả nước. Hàng Việt Nam đang dần chiếm tỷ trọng cao trong đời sống tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng nông thôn khu vực ngoại thành, người dân đã bắt đầu quen và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thị trường hàng Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Tỷ lệ thương mại hiện đại so với truyền thống của nước ta còn thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại song vẫn còn chậm do nhiều lý do khác nhau về khả năng vốn, mặt bằng... Chính vì vậy mà tốc độ chuyển đổi chậm so với nhiều nước trong khu vực. Cho đến nay, thị phần các loại hình thương mại hiện đại chỉ chiếm khoảng 24% (tỷ lệ này ở Thái Lan hiện khoảng 65 – 70%). Thêm vào đó, chi phí gia nhập và vận hành của loại hình này còn cao. Các DN phân phối bán lẻ trong nước có quy mô về vốn còn thấp, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế; chưa mạnh dạn đầu tư sử dụng kinh nghiệm, tư vấn nước ngoài.

Đặc biệt, mặt bằng cơ sở hạ tầng cho thương mại còn thiếu, nhỏ hẹp về quy mô, chưa đúng vị trí do quy hoạch không phù hợp với nhu cầu; Các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động phân phối, nhất là bán lẻ còn chưa phát triển, nhất là dịch vụ logistics (như hệ thống kho vận, cơ sở bao gói, làm đồng bộ hàng hoá…). Vì thế tính cạnh tranh của DN bán lẻ Việt Nam chưa cao và hiệu quả còn thấp.

Thêm nữa, tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực cũng như khác lĩnh vực (nhà sản xuất – nhà phân phối) chưa cao; chưa đầu tư cho việc tạo vùng cũng như nguồn hàng hoá ổn định. Đây là một điểm yếu của các DN Việt Nam trong đa số lĩnh vực sản xuất hàng hoá phục vụ cho bán lẻ. Khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hoá của nhau bị hạn chế.

Việc đầu tư tạo vùng hàng hoá ổn định cũng còn rất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chính vì vậy sự chủ động trong cung ứng hàng hoá bị hạn chế dẫn đến giá cả không ổn định. Sự trợ giúp cho người sản xuất hoặc các hợp đồng cung ứng hàng hoá không đều, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm.

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, để hàng Việt có một chỗ đứng bền vững trên thị trường, rất cần phải có một chiến lược bài bản. Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: cần có sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý cho từng phân khúc thị trường. Đồng thời, các DN cũng cần chú trọng đến việc sử dụng hình ảnh và có sự lựa chọn ưu tiên: ưu tiên sử dụng hàng Việt nhưng không đồng nghĩa với bất kỳ sản phẩm Việt nào.

Còn bà Nguyễn Thị Hạnh – TGĐ Sài Gòn Co.op chia sẻ: ngoài nâng cao chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm hợp lý, các nhà sản xuất cũng cần cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Vân Anh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load