Thứ sáu 26/04/2024 05:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Người chỉ huy trận đầu diệt Mỹ cũng là người tiên phong phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể

09:04 | 22/05/2017

(Xây dựng) -  “Phép thử” cho cả cuộc kháng chiến – Việt Nam đánh mỹ được không?”

Ngày 8/3/1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ, đổ bộ lên Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 7/5/1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ đổ bộ lên địa phận xã Kỳ Liên nằm sát cảng Kỳ Hà. Giặc Mỹ cho 1 đại đội lên chốt ở Núi Thành, một ngọn đồi cách đường quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc Nam 1 cây số về phía tây. Mục đích là để bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Chu Lai, từ đó khống chế sâu vào vùng giải phóng của ta. Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng thời chống Mỹ) đặt ra nhiệm vụ phải diệt cái chốt này, nhưng vấn đề quan trọng là diệt chúng bằng cách nào và vào thời điểm nào thuận lợi nhất?


Cụ Hoàng Minh Thắng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bữa cơm gia đình tại Quảng Nam (Ảnh tư liệu BXD)

Đêm 24/5/1965, lễ xuất quân được tổ chức tại thôn 1 xã Kỳ Thạnh. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, làm chủ toàn trận địa. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh đồi 50 của cứ điểm Núi Thành. Sau khi làm chính sách thương binh, liệt sĩ và thu dọn chiến trường, đại đội 2 theo mé tây đương số 1 rút về căn cứ an toàn...

Người bày mưu, chỉ huy trực tiếp trận mở màn diệt Mỹ lịch sử này là cụ Hoàng Minh Thắng.

Người “phá rào” kinh tế để đổi mới

Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi; với cấp bậc “Đại tá” quân đội, cụ Hoàng Minh Thắng được chuyển qua công tác Đảng và chính quyền tại địa phương – quê hương Ông. Tháng 11/1976 đến đầu năm 1982 là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; từ tháng 4/1982 đến 4/1986 là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Thời gian làm lãnh đạo Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cụ Hoàng Minh Thắng đã để nhiều tâm huyết nghiên cứu, trực tiếp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong sản xuất – kinh doanh của DN, đời sống CBCNV và nhân dân. Ông được biết đến với tất thảy phẩm chất của một nhà Cách mạng tầm vóc, một nhà quản lý tài ba, cấp tiến.

Nhiều người giờ vẫn còn kể rằng, trước khi chia tách Đà Nẵng, Quảng Nam (năm 1997), trong nội bộ Đảng - chính quyền và nhân dân, có hai xu hướng đối lập nhau gay gắt. Một số ủng hộ, một số phản đối; trong đó, cụ Hoàng Minh Thắng là người ủng hộ việc chia tách rất mạnh mẽ. 

Câu nói nổi tiếng của ông lúc bấy giờ được lan truyền đến tận ngày nay: “Nếu không chia tách, Đà Nẵng như võ sĩ múa gậy dưới gầm giường!”. Câu chuyện ấy cho thấy phần nào tư tưởng đổi mới, tầm nhìn của một nhà cách mạng.

Có một lãnh đạo DN thời đó, tên là Huỳnh Văn Chính, nhớ lại: “Anh là vậy, lúc nào cũng lo cho sản xuất. Tôi còn nhớ tháng 5 năm 1982, khi "Công ty Dệt - May 29-3" còn là đơn vị Công ty hợp doanh, trong một lần đến thăm công ty với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh QN - ĐN, anh Thắng đã viết vào sổ vàng truyền thống “Xí nghiệp công tư hợp doanh 29-3 là đơn vị sản xuất giỏi, năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, giữ được chất lượng sản phẩm và có lãi, thường xuyên nộp ngân sách đúng kế hoạch, đời sống công nhân được cải thiện, quản lý bảo đảm an toàn lao động.

Phương hướng đến, mở rộng và đi vào đầu tư chiều sâu của xí nghiệp, nâng cao đời sống công nhân, xây dựng cơ sở phúc lợi công cộng, an toàn lao động, hạch toán kinh tế ngày càng lãi nhiều hơn, trả lãi cổ đông đúng chính sách”.

Đầu năm 1984, tôi đến gặp anh khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, tôi đã báo cáo và trình bày với anh về nguyện vọng của bà con cổ đông muốn chuyển xí nghiệp công tư hợp doanh lên thành xí nghiệp quốc doanh. Không cần suy nghĩ , anh hỏi tôi: “Mi không sợ à?”. Tôi hỏi lại anh: “Sợ gì vậy anh?”. Anh giảng giãi: “Lên quốc doanh cơ chế cứng nhắc nó sẽ trói xí nghiệp lại không phát triển được đâu!”. Tôi báo cáo với anh, quốc doanh đang giữ vai trò chủ đạo, lẽ nào cơ chế Nhà nước lại trói buộc quốc doanh. Tôi lại nói nửa đùa nửa thật: Xí nghiệp 29-3 tình nguyện lên quốc doanh nếu bị trói buộc, xin được cùng những doanh nghiệp khác vùng vẫy “đông tay thì vỗ nên kêu”. Và rồi không bao lâu sau xí nghiệp CTHD Dệt 29-3 được tỉnh quyết định chuyển lên quốc doanh trở thành "Nhà máy dệt quốc doanh 29-3" (Quyết định do anh Phạm Đức Nam Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 30-4-1984).

Bút tích của ông Hoàng Minh Thắng khi đến thăm Xí nghiệp Cty hợp doanh 29-3. Đầu quý III-1985, tại một cuộc tiếp xúc với giám đốc các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhiều giám đốc đã phát biểu khó khăn về cơ chế chính sách. Tôi mạnh dạn phát biểu tâm trạng chung các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước ví như chiếc xe tải đang chạy trên đường phố đông người lúc nào cũng dễ bị thổi còi và cảm thán bằng mấy câu thơ: "Hai chân phải chạy vật tư / Đầu đội luật pháp, chứng từ hai vai!”.

Trong phần kết luận chỉ đạo của mình, anh Hoàng Minh Thắng nói: “Giám đốc các doanh nghiệp nếu vì sự phát triển sản xuất, vì lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và quyền lợi người lao động, có gì đó vi phạm cơ chế phải đi tù thì Thường trực Thường vụ sẽ xách cơm vào thăm các đồng chí”.

Nghe anh nói, đội ngũ giám đốc doanh nghiệp chúng tôi hết sức phấn khởi, vì dù sao trong thời buổi cực kỳ khó khăn được người lãnh đạo cao nhất của tỉnh cảm thông, chia sẻ!

Phải chăng xuất phát từ những khó khăn của cơ sở, khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Nội thương (cuối năm 1986) anh đã đóng góp vào tiếng nói chung để Hội đồng Bộ trưởng cho ra đời Quyết định 217- HĐBT ngày 14-11-1987 “Ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh”, bước đầu xác lập quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp".

 “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”

Một sự đặc biệt nữa của cụ Hoàng Minh Thắng là luôn "nhìn xa trông rộng" trong đào tạo cán bộ trẻ nhằm tạo nguồn cho lãnh đạo tương lai của tỉnh nhà cũng như đất nước.

Trong những năm tháng là Chủ tịnh, Bí thư Quảng Nam – Đà Nẵng, ông gửi nhiều cán bộ trẻ, chưa hề có chức sắc gì đi đào tạo chính quy và nâng cao tại nước ngoài. Trong số đó, là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bây giờ, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Cố Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (18 tháng 4 năm 1953 – 13 tháng 2 năm 2015) - là một chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam. Ông cũng là Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị...

Mọi đường đi, nước bước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ do ông đứng đầu, thể hiện sinh động và phong phú trong cuộc gặp 4000 DN vừa rồi tại Hà Nội (“Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017” – Nó như một “Hội Nghị Diên Hồng” về phát triển kinh tế đất nước); khiến chúng ta liên tưởng đến công lao đào tạo của bao lớp cán bộ, lãnh đạo Đảng - Nhà nước đã dày công như thế nào - trong đó có cụ HOÀNG MINH THẮNG.

Mở đầu cuộc “đối thoại”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Tôi tin rằng, các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng".

“Hội Nghị Diên Hồng” năm nay diễn ra ngay sau Hội Nghị Trung ương 5 với nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tại điễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại lời của những tiền nhân đi trước: “Người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sỹ Lương Văn Can đã nói đại ý như thế này: Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, để khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân với sự phát triển của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn ước mơ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi như để gửi gắm ước muốn của mình: Tôi nhớ một nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu biểu của chúng ta, ông Bạch Thái Bưởi từng nói: "Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris".

Tinh thần của cuộc gặp mặt là “thẳng thắn, chân thành và xây dựng", như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đã khiến các đại biểu DN về dự phấn chấn vô cùng.

Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tác giả.

Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng liên minh HTX Việt Nam

Cuối năm 1991, cụ Hoàng Minh Thắng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại; chuyển sang làm Trưởng ban Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam.

Nhận thấy vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác sẽ phát triển và dứt khoát không chóng thì muộn, cũng là thành phần kinh tế chủ chốt như mọi nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới. Ông đã dày công nghiên cứu, từng bước xây dựng tổ chức mới để đón nhận sự thay đổi tất yếu của hoạt động kinh tế hợp tác.

Ngược về lịch sử, năm 1955 Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam được thành lập. Đến năm 1961 hình thành Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Việt Nam. Đây là hai tổ chức cấp quốc gia quản lý, đại diện, hỗ trợ các hợp tác xã mua bán và tiểu thủ công nghiệp trên quy mô cả nước.

Ngày 18/12/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - nay là Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 409/CT thành lập Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trung ương và Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam. Cụ Hoàng Minh Thắng là Chủ tịch “lâm thời” của tổ chức mới này.

Ngày 30/10/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các hợp tác xã Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã Việt Nam - tổ chức hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các hợp tác xã thuộc các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng và các ngành nghề phi nông nghiệp khác. Cụ Hoàng Minh Thắng được Đại hội chính thức bầu làm Chủ tịch.
Điều lệ của Hội đồng Liên minh hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 582-TTg/QĐ ngày 01/12/1993.

Năm 1996, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 9 (khoá IX) đã thông qua Luật hợp tác xã, xác định tên gọi của tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã là Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Ngày 20-21/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ II được tổ chức. Đại hội thông qua Điều lệ Liên minh hợp tác xã Việt Nam - tổ chức hỗ trợ và đại diện cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc. Điều lệ của Liên minh hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 17/11/2000.

Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ III được tổ chức ngày 27-28/01/2005. Đại hội thông qua Điều lệ Liên minh hợp tác xã Việt Nam (sửa đổi) và Thủ tướng Chính phủ đã công nhận tại Quyết định số 75/2005/QĐ-TTg ngày 11/04/2005. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam gồm 115 uỷ viên đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong mọi lĩnh vực, Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các ban, đơn vị Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Như vậy, tổ chức đại diện cho kinh tế hợp tác, đã được cụ Hoàng Minh Thắng nâng cấp, kiện toàn để thành một hệ thống hoạt động chặt chẽ, hoàn chỉnh từ trung ương đến tỉnh-thành, quận-huyện, phường-xã... Mọi hoạt động của thành phần kinh tế này được luật hóa, đi vào quy củ.

Cụ Hoàng Minh Thắng - Anh hùng lực lượng vũ trang, người chỉ huy trận đầu diệt Mỹ trên Núi Thành, người "phá rào" kinh tế để đổi mới; là Chủ tịch đầu tiên của "Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam" - Tiền thân của "Liên minh HTX Việt Nam" ngày nay.

 

Lê Quang Vinh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load