“Nhanh lên vợ ơi, về mà đánh chứ đội bóng đang chờ rồi!”, tiếng ông Vũ Đình Triều ở thôn 11, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) liên tục í ới qua điện thoại khi vợ ông đang làm trên rẫy cà phê chưa về.
Các cầu thủ nữ của đội bóng chuyền hơi ra sân với màu áo đồng phục.
Vừa chuẩn bị bữa cơm tối, thỉnh thoảng ông lại nhổm người ngóng ra phía cổng vẻ sốt ruột. Những thành viên của đội bóng chuyền nữ cũng đã khởi động chỉ chờ bà chủ nhà về là vào trận…
Ngôi làng... kỳ lạ
Tình cờ tôi có dịp ghé thăm nhà ông Vũ Đình Triều, căn nhà có khoảng sân rộng nằm giữa bạt ngàn vườn rẫy cà phê đang mùa ra bông nở trắng cả một vùng, hương thơm ngào ngạt.
Vừa bước chân vào ngõ thấy trên sân một tấm lưới bóng chuyền căng ngang, tôi định hỏi, ông Triều hiểu ý liền bảo: “Đây là sân bóng chuyền nữ của thôn, xã NTM chúng tôi đấy, ngày nào chị em cũng kéo đến tập rồi chơi bóng chuyền, phong trào “Rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe” đã kéo dài từ nhiều năm rồi. Chú ở đây xem chị em đập bóng cũng cừ lắm, chẳng thua kém gì cánh đàn ông đâu”.
Nói rồi ông Triều lại vội vàng vào bếp chuẩn bị bữa tối, lúc này vợ ông vẫn trên rẫy chưa về. Công việc nấu ăn quen thuộc hàng ngày ông vẫn làm vì muốn dành thời gian để bà xã cùng chị em trong thôn tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe.
Ngày nào cũng vậy, từ khoảng 5 giờ chiều, quanh thôn 11, xã Hòa Bắc đã chộn rộn những bước chân của các mẹ, các chị đổ về sân bóng chuyền nhà ông Triều. Nếu chạy dọc qua các thôn của xã Hòa Bắc, nhất là từ khoảng chập choạng tối đến tận 20 giờ, âm thanh mà người ta dễ bắt gặp là tiếng đập bóng xen với tiếng cười nói, hô hào rôm rả.
Chị em đập bóng chuyền không thua kém đàn ông.
“Đập, đập luôn! Ăn rồi!”, những tiếng hô to sôi nổi cùng tràng pháo tay tán thưởng trong sân nhà ông Triều, nơi đang duy trì 2 sân bóng chuyền nữ. Mà cũng thật lạ, những cầu thủ có mặt ở cả hai sân, theo như cách nói của một cán bộ địa phương, đều là “đối tượng nhận quà ngày 8/3”. Đàn ông nếu có ở đây thì cũng chỉ đứng cổ vũ hay cùng lắm làm “xe ôm” cho vợ đi chơi bóng.
Hôm nay đội bóng chuyền hơi của thôn 11 hẹn giao đấu với 2 đội bóng nơi khác là đội Đinh Trang Hòa và Lộc An, chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 và kết nghĩa thân tình. Trên sân trang phục của các đội cũng chuẩn như các đội nữ bóng chuyền chuyên nghiệp, các mẹ, các chị nhanh chóng nhập cuộc khởi động. “Đàn ông trong làng chắc giờ này đang ở nhà thổi cơm cho vợ thôi. Có ông lúc nãy còn tranh thủ chở vợ đến đây rồi mới vội quay về làm nốt việc nhà đấy!”, ông Triều khẳng định.
Một chị vừa dứt màn phát bóng vừa nói với tôi: “Đều như vắt chanh, ngày nào cũng đánh, chỉ trừ hôm mưa to thì mới phải chịu nghỉ thôi”. Tiếng còi tuýt vang trong sân khi có chị đập bóng hỏng, tiếng í ới chọc giỡn vui nhộn của đội cổ động viên phía “đối thủ” cứ ầm ĩ rồi tất cả lại cười rôm rả.
Quả bóng làm thay đổi nhận thức
Chúng tôi chạy qua sân bóng của các thôn, xã Hòa Bắc đều ghi nhận được không khí thể thao sôi nổi. Có những nơi chia nhau ra làm hai sân, ba người đàn ông đánh với sáu chị phụ nữ. Đội nào thua phải bỏ tiền mua nước uống. Có nơi thiếu người, một đội bóng còn tề tựu đủ lứa tuổi, từ già đến trẻ…, đâu đâu cũng rộ lên tiếng cười, tiếng vỗ tay sau mỗi lần đập bóng.
Chị Vũ Thị Huệ, đội trưởng đội bóng chuyền thôn 11, một trong những tay chơi bóng cứng từ khi thành lập đội bóng, kể: Nhiều dịp có đội bóng của các xã khác “alô” mời đội thôn 11 giao đấu, chị lại tất tả báo cho các chị em sắp xếp công việc để chuẩn bị lên đường, chẳng quản ngại xa hay gần.
“Chị em chúng tôi khăn gói, ôm theo quả bóng rồi đèo nhau bằng xe honda, vượt qua chặng đường dài 50km mới tới sân bóng của xã Lâm Hà để giao đấu. Có lần cả đội cũng “rinh” được giải 3, với số tiền thưởng chỉ 100 ngàn nhưng rất vinh dự, vì “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, cứ có giải là vui rồi”.
Không chỉ chơi thể thao, chị em còn tham gia tập và biểu diễn văn nghệ.
Từ phong trào của một thôn, đến nay các sân bóng chuyền đã lan ra nhiều xã khác trong huyện. Điều dễ nhận thấy nhất khi chứng kiến không khí luyện tập và thi đấu của các cầu thủ nghiệp dư, đó là sự năng động và vui vẻ.
“Đội bóng chuyền hơi nữ thôn 11 bắt đầu hoạt động từ năm 2016, lúc đầu chỉ có 7 - 8 chị em tuyển chọn từ các thôn 9, 10, 11, đến nay đã phát triển lên 16 người, vừa được UBND xã Hòa Bắc ra quyết định thành lập (tháng 7/2019), lấy tên là CLB vui khỏe thôn 11, trực thuộc Hội người cao tuổi của xã Hòa Bắc. Chị em chúng tôi đang cố gắng tập luyện để tổ chức thi đấu chào mừng 2/9 và chuẩn bị cho ngày ra mắt CLB sắp tới”, chị Vũ Thị Huệ, đội trưởng đội bóng chuyền nữ thôn 11 cho biết. |
Tiêu biểu như cầu thủ lớn tuổi nhất là bà Đặng Thị Huệ (71 tuổi) vẫn rất hăng hái gia nhập đội bóng chuyền hơi của thôn, chẳng vắng mặt buổi nào, càng khiến không khí chơi bóng lúc nào cũng vui như tết.
Tranh thủ giờ giải lao, bà Huệ tâm sự: “Chuyện bị ngã, chấn thương nhẹ thì cũng gặp rồi, nhưng tôi chẳng ngại, hôm nào không ra sân bóng thì nhớ lắm.
Có hôm thấy hơi ốm nhưng ở nhà thì càng mệt, ra đánh được mấy quả thấy khỏe hẳn lên. Đánh quen rồi, nghỉ lâu là ốm hơn đấy!”.
Nói về phong trào thể thao của thôn, ông Vũ Đình Triều cũng hào hứng cho biết, mới đầu vận động chị em đánh bóng, nhiều người còn rụt rè lắm.
Ấy thế mà bây giờ hầu như ai cũng tham gia, có hôm đông đến mức phải chia ra từng đội, đội nào thua phải ra ngoài cổ vũ, chờ đến lượt vào thay.
Không chỉ chơi bóng chuyền, chị em còn rất tích cực tập văn nghệ của thôn, xã để tổ chức giao lưu vào những dịp lễ, tết hay mỗi khi có đình đám.
Chúng tôi rời sân bóng, chia tay với các chị cầu thủ vui tính của thôn 11, lúc này cả Hòa Bắc đã chìm vào màn đêm của vùng quê Tây Nguyên với thoang thoảng mùi hương cà phê rất dễ chịu...
Khi đội bóng thiếu “tay” thì phải huy động cả đàn ông vào chơi thay thế.
“Nhờ gây dựng phát triển phong trào bóng chuyền hơi nữ của thôn, xã không chỉ tạo nên không khí sôi động, lành mạnh mà còn làm thay đổi nhận thức bình quyền giữa nam và nữ, rằng cứ thể thao là của đàn ông, còn nữ chỉ vào bếp. Hơn nữa, đây cũng là phong trào xây dựng NTM, tạo ý thức cộng đồng, sức khỏe chị em phụ nữ cũng cải thiện hơn nhiều, giúp năng suất lao động tăng cao và chăm lo gia đình yên ấm hạnh phúc!”, ông Trần Viết Tiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc xác nhận. |
Theo Minh Sáng/Nongnghiep.vn