(Xây dựng) - Đình Quang Hanh (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) có từ lâu đời là di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá riêng biệt của cộng đồng tộc người Sán Dìu ở Quảng Ninh.
Đình Quang Hanh sau khi phục dựng.
Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, dân làng chọn khoảng đất bằng phẳng trước cửa hang Hanh làm gian nhà tranh để thờ phụng trời, đất, thần linh và thành hoàng làng. Xưa kia, trước đình có chỗ trũng giống như một cái ao, người đi biển gặp gió bão thường vào đây trú lánh.
Đình Quang Hanh phối thờ cả các vị thiên thần và nhân thần. Theo các đạo sắc phong, thư tịch Hán Nôm cổ, đình có nhị vị thần chủ là Bản cảnh thành hoàng linh ứng chi thần (thành hoàng làng) và Cao Sơn đại vương tôn thần (thần Tản Viên). Ngoài hai vị thần chủ, nhân dân còn tôn thờ những nhân vật lịch sử có công mở mang đất đai như: Vũ Xuân đại vương; Trần Chiến đại vương; Diệp Đạo đại vương. Liên quan đến việc thờ cúng của đình, còn có nhiều miếu thờ thần ở gần đó, như: Miếu xóm Cái Hanh thờ Cao Sơn đại vương, miếu Hàm Rồng thờ Tản Viên Sơn thánh, miếu Hai Ông thờ Diệp Đạo đại vương và Trương Tiên đại vương. Hiện nay, đình còn giữ được hai đạo sắc phong vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Khải Định thứ 2 (1917).
Lễ hội đình Quang Hanh được chia làm 3 kỳ trong năm: Ngày 16-1 (âm lịch) là lễ chúc phúc và lễ cầu phúc; ngày 18-7 (âm lịch) là lễ Thánh hạ cầu mùa màng tươi tốt và ngày 25-12 (âm lịch) là ngày lễ tạ ơn các thần đã phù hộ cho dân làng một năm may mắn. Trong các ngày tuần rằm và mùng một, cộng đồng người Sán Dìu cũng tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng tại đình. Vào ngày lễ hội, nhà nào cũng có lễ dâng lên đình cầu mong được các thần thánh phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc Sán Dìu như: Đánh khăng, đuổi chó vào chuồng, đẩy gậy, đấu võ và hát các bài Soọng cô say đắm.
Đình Quang Hanh đã ghi tạc những sự kiện trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trung đội vũ trang từ chiến khu Đông Triều về tập kết tại đình Quang Hanh để chờ lệnh xuất kích vào giải phóng thị xã Cẩm Phả (TP Cẩm Phả ngày nay). Đình là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trung chuyển lương thực từ thị xã Cẩm Phả vào căn cứ cách mạng Sơn Dương (Hoành Bồ).
Trước sự băng hoại của thời gian, ngôi đình xưa đã không còn nữa. Năm 2010, nhân dân địa phương quyên góp xây dựng với quy mô nhỏ. Đến năm 2013, nhân dân các dân tộc phường Quang Hanh và du khách thập phương đã phát tâm công đức xây lại đình với quy mô lớn trên diện tích mặt bằng xây dựng là 9.000m2. Đình được xây dựng tại lưng chừng đồi rộng rãi, tương truyền là vị trí đắc địa như ngự trên lưng rồng thiêng ẩn trong đất, tạo nên thế rồng chầu hổ phục, tụ phúc, tụ thuỷ. Đình Quang Hanh được xây theo kiến trúc chữ “Đinh”, 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, việc thờ tự được bố trí hợp lý, các công trình phụ trợ, nhà kho, nhà bếp, nhà tiếp khách với kinh phí trên 10 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Ghi nhận những giá trị lịch sử của đình, ngày 16-1-2017, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng đình Quang Hanh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau đó, Hội VNDG Quảng Ninh thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá Sán Dìu tại đình Quang Hanh nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc được ông cha ta kết tinh từ ngàn đời.
PV
Theo