Chùa Bích Động, ngôi chùa cổ độc đáo và nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Ninh Bình bởi địa thế tuyệt đẹp đang từng ngày bị xâm phạm bởi du khách viết, vẽ bậy nhiều nơi.
Chùa Bích Động bị vẽ bẩn Ngôi chùa cổ độc đáo và nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Ninh Bình bị xâm phạm bởi du khách viết, vẽ bậy nhiều nơi.
Nằm trên dãy núi đá vôi Trường Yên (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), Bích Động là ngôi chùa cổ độc đáo và nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Ninh Bình. Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" - động đẹp thứ nhì của trời Nam, sau Hương Tích ở Hà Tây.
Chùa Bích Động được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê, với quy mô chỉ là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Năm 1705, hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa.
Quần thể chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên. Với địa thế, cảnh sắc được đánh giá là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, mỗi ngày chùa Bích Động đóng rất đông khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh, dâng hương cầu an.
Tuy nhiên, Động tối (đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch) của chùa Bích Động đang ngày trở nên xấu xí bởi ý thức của một bộ phận du khách sau những lượt ghé thăm. Nơi đây xuất hiện những vết viết, vẽ bậy.
Các vết vẽ bẩn xuất hiện chi chít trên vách đá vôi.
Nhiều người dùng bút tẩy trắng để viết thành các dòng chữ.
Giới trẻ dùng vật sắc chạm khắc, ghi tên ghép đôi hay dùng bút tẩy viết những lời hẹn thề yêu đương.
Nhiều người còn viết vẽ bẩn lên các dòng chữ do tiền nhân để lại.
Có người còn chạm khắc, tô vào các nét chữ của tiền nhân, làm mất đi sự cổ kính, rêu phong.
Thậm chí, cột chùa - không gian thờ phật cũng thành nơi để du khách vẽ bẩn.Không gian chốn linh thiêng bị xâm phạm khiến nhiều du khách đến đây buồn lòng.
Theo Nguyễn Dương/Zing.vn