Tôi thương hoài những mái nhà quê, nhà có thể đơn sơ, bé tí nhưng cây cối lúc nào cũng xanh um, vườn tược lúc nào cũng rộng rãi, có trước có sau như tấm lòng người.
Nhà ở quê ngoài khoảng sân đằng trước còn có ngõ sau. Ngõ sau thường dẫn ra một vườn chè, vườn chuối, vườn rau hay một vuông đất hiền hòa, có gà mẹ dắt đàn gà con đi bới giun, có cây bưởi, cây khế tỏa bóng râm.
Thuở mẹ ru tôi hay hát "Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Tôi còn bé không hiểu cảm giác "đau chín chiều" là như thế nào, tôi thì chiều chiều vẫn trốn mẹ vòng ra ngõ sau rồi chui qua hàng rào để lén đi chơi nhà hàng xóm. Mỗi lần mẹ phát hiện ra tôi không ngồi bên bàn học, bà lại lo lắng và giận dữ gọi tên, giọng mẹ to đến nỗi vang vọng cả xóm. Tôi nghe thấy liền ba chân bốn cẳng chạy về, chui qua cái lỗ bí mật nơi hàng rào để chuồn vào nhà. Lúc nào tôi cũng ngụy biện rằng tôi chỉ ra sau vườn hít thở không khí một tí. Mẹ chẳng bao giờ mắng mỏ dù biết tôi nói dối, chỉ vì thương tôi má đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhãi và hơi thở hổn hển sau khi vắt chân lên cổ chạy về nhà.
Sau này tôi cưới chồng phải bước chân vào nhà chồng bằng cửa sau. Ngày ấy còn nặng nề chuyện chưa cưới đã chửa, họ nhà chồng tôi có quan niệm cô dâu có bầu là điều rất đáng xấu hổ, chỉ được rước về qua ngõ sau. Lễ đón dâu, tôi thấy thật ê chề, bước vào nhà chồng qua cửa sau mà nước mắt chực tuôn, trách mình đã khiến cha mẹ đẻ không ngẩng đầu lên nổi. Chồng nắm chặt tay tôi dắt đi, biết tôi buồn tủi, anh thì thầm vào tai rằng “có anh đây rồi, đừng khóc”. Chỉ thế thôi mà tôi thấy vững tâm hơn rất nhiều.
Sau đám cưới, cuộc sống hôn nhân có nhiều ái ố hỉ nộ nhưng chồng không khiến tôi hối hận vì đã chịu nghe lời anh ấy “dụ dỗ”, tôi cũng dần quên nỗi tủi hổ ngày đầu tiên bước vào nhà chồng bằng ngõ sau. Hóa ra “ăn cơm” trước hay sau “kẻng” không quan trọng bằng “ăn cơm” với ai. Tôi không hiểu nhờ thông minh hay vì may mắn, đã chọn đúng người.
Nhà riêng của chúng tôi ở chung cư trên thành phố, không còn cái ngõ trông ra khoảng vườn sau nhà um tùm cây cối và rộn ràng tiếng chim rủ nhau về ăn quả, tiếng gà con chiêm chiếp gọi mẹ, tiếng ễnh ương kêu dài những mùa mưa. Chồng biết tôi nhớ thương ngõ sau nên trồng vào chậu cây đặt trước ban công vài khóm ớt, khóm rau bạc hà. Thỉnh thoảng đi chợ chồng thường tìm mua khế ngọt, mít, nhãn để nhắc nhở tôi về những thức quả có trong vườn sau nhà tôi.
Tết năm nào vợ chồng tôi và các con cũng về quê nội từ trước Tết, qua mồng Một mới được về quê ngoại. Tôi không phản đối vì đó là truyền thống nhà chồng, nhưng vẫn chạnh lòng ghê gớm. Tôi nhớ những chiều 30 ra đứng ngõ sau, nhìn cây bưởi già mà xôn xao nhớ hương bưởi ướp cả thời thiếu nữ của tôi, nhìn cái võng mắc trong vườn nhà chồng mà quay quắt nhớ những trưa hè ngày bé ba tôi cũng ra vườn mắc võng cho tôi nằm và khiên nhẫn ngồi đưa võng đến khi tôi ngủ say.
Mẹ chồng có lần thấy tôi thơ thẩn nhớ nhà đến nỗi lơ là việc dọn dẹp, nấu nướng, bà không trách móc, còn tâm lý động viên “thôi gắng lên con ạ, mình phận đàn bà, phải lo nhà chồng trước đã”.
Tối hôm đó trong mâm cơm tất niên, mẹ chồng làm món mướp đắng nhồi thịt khoái khẩu của tôi dù mẹ không ăn được mướp đắng. Tôi cảm phục mẹ rất nhiều, hóa ra đàn bà dẫu là mẹ chồng nàng dâu, ai cũng có thể cảm thông cho nhau chỉ vì ai cũng từng “ra đứng ngõ sau” mà thương về quê mẹ.
Theo Dân trí
Theo