Thứ năm 28/03/2024 16:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghịch lý … không gian xanh và lít… ánh sáng

15:00 | 05/02/2019

(Xây dựng) - Con người ta nhiều khi rơi vào sự mâu thuẫn thật buồn cười: Đặt ra quy tắc rồi lại kêu bị trói buộc, gây ô nhiễm rồi lại mong được sống trong môi trường trong lành, tự nhốt mình trong bê tông cốt thép rồi lại ước ao trở về với thiên nhiên… Tôi tự hỏi: Ai sẽ giải thoát cho con người?

nghich ly khong gian xanh va lit anh sang

Cách đây vài năm, chính quyền một tỉnh miền Trung kêu gọi (nhưng gần như là yêu cầu) các cơ quan đơn vị và người dân trong tỉnh ủng hộ và dùng sản phẩm sản xuất tại địa phương, mà chủ yếu là nông sản.

Dư luận lúc bấy giờ phản ứng khá mạnh, cho rằng như thế là ngăn sông cấm chợ, là bế quan tỏa cảng, là quay trở về phương thức tự cấp tự túc, là đi ngược lại kinh tế thị trường… Nhưng mới đây, tôi lại được biết trong phong trào “Xanh”, các nhà khoa học và các nhà quản lý trên thế giới lại đang xây dựng mô hình “Giao thông xanh”, mà hạt nhân của nó là tiêu dùng sản phẩm, chủ yếu là nông sản, địa phương.

Họ lập luận thế này, một trong những tiêu chí “xanh” là tiết kiệm năng lượng. Trong khi vận chuyển lương thực, thực phẩm từ địa phương này đến địa phương khác sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Vì vậy, nếu sử dụng nguồn nông sản tại chỗ không những giúp nông dân địa phương tiêu thụ được sản phẩm mà quan trọng hơn là sẽ tiết kiệm được một lượng lớn năng lượng. Và điều đó được coi là “Giao thông xanh”.

nghich ly khong gian xanh va lit anh sang

Tiêu chí “Xanh” càng ngày càng được coi là giải pháp cứu vãn trái đất thoát khỏi sự suy thoái do chính con người gây nên mà biểu hiện rõ nhất của nó là hiệu ứng nhà kính và sự tăng nhiệt. Hậu quả là khí hậu biến đổi, nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng và khó lường…

Trong xây dựng, công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị xanh… đang ngày càng trở thành xu hướng và là điều bắt buộc nếu chúng ta không muốn gánh thêm nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhưng thực ra, điều mà chúng ta ngày nay đang phấn đấu hướng tới thì đã được cha ông ta sử dụng từ bao đời nay để sống thân thiện với môi trường, hòa hợp với thiên nhiên.

Trong 5 tiêu chí về Kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt ra thì ông cha ta đã làm rất tốt 3 điều, đó là: Lựa chọn địa điểm bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và lịch sử; chất lượng môi trường bên trong công trình phải cách nhiệt tốt, “ấm đông mát hè”; tiết kiệm năng lượng… Có chăng bây giờ chỉ bổ sung thêm hai tiêu chí mang tính thời đại là: Công trình đó phải được ứng dụng những công nghệ mới, vật liệu mới như: vật liệu xanh, thiết bị tiết kiệm nước, pin mặt trời…; áp dụng kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc và mang yếu tố xã hội nhân văn, vì con người. Mà ngay hai tiêu chí mới này thì “vật liệu xanh” cũng đã được ông cha ta sử dụng rất tốt trong “nhà tranh vách đất” như tường trình, khung nhà tre luồng và mái rạ hoặc lợp cỏ tranh hay lá cọ…

nghich ly khong gian xanh va lit anh sang

Hóa ra, cái tiêu chí xanh này cũng thật đơn giản.

Thực ra, thiên nhiên lúc nào cũng hào phóng, cung cấp cho con người những giải pháp tối ưu nhưng chính con người lại tự làm khó mình, tự gây họa rồi lại quay ra trách cứ thiên nhiên. Bạn cứ để ý một chút là thấy ngay. Bạn nhốt mình trong căn phòng bưng kín để rồi lại phải bật hết đèn lên để lấy ánh sáng. Bạn cũng quây kín cửa, chặn hết gió rồi lại bật quạt hay điều hòa để làm mát.

Đó chẳng phải là nghịch lý hay sao?!

Đó là chưa kể, cái ánh sáng nhân tạo ấy, cái gió nhân tạo và cái mát nhân tạo ấy có phải… tự trên trời rơi xuống đâu mà nó được làm ra từ… điện. Mà điện ấy, nếu là thủy điện, điện gió còn khá, còn nếu là nhiệt điện thì lại được sản xuất từ than và dầu, từ nhiên liệu hóa thạch, một trong những thủ phạm gây biến đổi khí hậu.

Mà ngay cả thủy điện, cái mà lâu nay ta cứ tưởng là năng lượng sạch cũng ngày càng bộc lộ mặt trái của nó trong việc tác động tiêu cực đến môi trường. Để làm một nhà máy thủy điện, người ta phải đắp đập ngăn dòng, nhận chìm cả cánh rừng dưới làn nước và hậu quả là tiểu khí hậu vùng thay đổi. Đó là chưa kể nó làm thay đổi chế độ thủy văn của cả thượng lưu và hạ lưu, một số loài cá cũng không thể ngược về thượng nguồn để sinh con đẻ cái. Sự mất lũ vào mùa mưa và cạn kiệt nguồn cá tôm ở ĐBSCL trong những năm gần đây chính là một minh chứng đau lòng.

Do đó, việc quay trở lại sống thân thiện với môi trường, hòa hợp với thiên nhiên với những tiêu chí xanh là điều tất yếu và bắt buộc.

nghich ly khong gian xanh va lit anh sang

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến cái cách tạo ra ánh sáng phục vụ cho sinh hoạt của người dân một số nước châu Phi. Và tôi thực sự thán phục vì nó đơn giản đến kỳ diệu. Thay vì đèn điện, thay vì đèn dầu, người ta trổ thủng mái nhà rồi lắp vào đó những chai nhựa trong, đựng đầy nước. Ánh sáng tự nhiên chiếu qua lỗ thủng, tán xạ qua lớp nước trong chai tràn ngập căn nhà. Và người ta đo độ sáng không phải bằng công suất điện mà bằng dung tích chiếc chai: Lít ánh sáng! Đơn giản, hiệu quả, không tốn kém và nhất là thân thiện với môi trường. Tất nhiên nó cũng có điều bất tiện, vì chỉ sử dụng được vào ban ngày. Nhưng như thế cũng khôn ngoan gấp vạn lần cái cách đóng kín cửa rồi bật hết đèn lên và tự cho là… văn minh, hiện đại.

Với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, con người có thể sử dụng các yếu tố tự nhiên như gió và ánh sáng nhiều hơn thế để phục vụ cho cuộc sống của mình mà không ảnh hưởng tới môi trường. Tôi lấy một ví dụ: Từ trước đến gần đây, chúng ta thường nghĩ ánh sáng chỉ có thể truyền thẳng. Muốn tận dụng ánh sáng tự nhiên thì tất yếu ngôi nhà, căn phòng phải có mặt thoáng thông với không gian bên ngoài để… lấy ánh sáng. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ đến việc bẻ cong ánh sáng, dẫn ánh sáng đi theo ý muốn của mình, đến bất cứ chỗ nào con người muốn hay chưa? Điều đó không còn là ý tưởng, mà nó đã trở thành hiện thực từ bao năm nay với sợi cáp quang mảnh mai dẫn ánh sáng mang tín hiệu thông tin mạng đến tận hang cùng ngõ hẻm.

Hóa ra, cái tiêu chí xanh, cho dù là công trình xanh, kiến trúc xanh hay đô thị xanh ấy càng nghĩ càng thấy thật là đơn giản.

Điều quan trọng là ở ý thức, con người có muốn bảo vệ Trái đất - cái Nôi của loài người, bảo vệ cuộc sống của chính mình một cách bền vững, trước khi quá muộn hay không mà thôi.

Chẳng ai có thể giải thoát được cho con người ngoài chính bản thân con người.

Bùi Văn Doanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load