Thứ ba 03/12/2024 06:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Nghi vấn quanh một Dự án trồng rau sạch tại Quảng Ninh

11:29 | 19/04/2017

(Xây dựng) - Một dự án trồng rau sạch ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng trên diện tích 1ha đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng nhưng hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giải thể. Sau đó, một doanh nghiệp tư nhân đã nhận lại việc đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong dự án này còn nhiều “uẩn khúc” mà lãnh đạo địa phương “loanh quanh” chưa cung cấp thông tin cho báo chí để giải đáp những nghi vấn của người dân.

Từ một chủ trương đúng của UBND huyện

Năm 2012, xét thấy tình hình mất an toàn thực phẩm tràn lan và lợi thế đất nông nghiệp ở huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) nói chung, ở xã Quảng Tân nói riêng, UBND huyện Đầm Hà đã có chủ trương xây dựng một mô hình Nhà lưới trồng rau sạch tại xã Quảng Tân với kỳ vọng là nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Theo lãnh đạo UBND huyện, ban đầu, diện tích của Dự án chỉ có 1ha với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng (theo phản ánh của bạn đọc, Dự án lúc đầu công bố có mức đầu tư 5 tỷ đồng). Ngay sau khi dự án được phê duyệt, đại diện chủ đầu tư dự án là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT) huyện Đầm Hà đã cho xây dựng một số cơ sở hạ tầng như: đường bê tông, nhà lưới khung sắt, nhà sơ chế sản phẩm... và sau đó bàn giao cho xã Quảng Tân tổ chức thực hiện. Huyện còn tạo điều kiện cho xây dựng 1 ki-ốt ở chợ Đầm Hà để bán sản phẩm và cung cấp rau sạch cho bếp ăn một số mỏ than. Nhìn chung, dự án được tổ chức khá bài bản. Thời gian đầu, Dự án đã có sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau đó, hoạt động của HTX kém hiệu quả, UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư theo hình thức công - tư nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả, tránh sự “phá sản”.


Nhà sơ chế sản phẩm rau sạch đang bị bỏ hoang.

Nguyên nhân dự án hoạt động kém hiệu quả

Nhận được phản ánh của bạn đọc, ngày 25/2/2017, nhóm phóng viên Báo Xây dựng đã có mặt tại UBND huyện Đầm Hà làm việc với ông Vũ Xuân Khải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà - đại diện chủ đầu tư xây dựng Dự án. Ông Khải cho biết: Dự án được đầu tư năm 2012 với mức 2 tỷ đồng (tin đồn 5 tỷ là không đúng) và gần 700 triệu giao cho HTX Quảng Tân thực hiện về cây giống và tập huấn kỹ thuật. Chúng tôi đã tổ chức thực hiện theo đúng quy định và chỉ đạo của UBND huyện. Sau khi có một số sản phẩm cung cấp cho khách hàng, do chưa có kinh nghiệm nắm bắt thị trường nên các sản phẩm trên chỉ bán được một số chủng loại, mỏ Mông Dương đề nghị cung cấp cho một tấn rau thì HTX lại không có loại rau họ cần. Đây là “bài học” cho chúng tôi khi bước vào “nền kinh tế thị trường”. Còn vấn đề thanh quyết toán dự án, chúng tôi đã làm xong và báo cáo lãnh đạo huyện rồi.

Sau đó, Trưởng phòng NN&PTNT dẫn chúng tôi lên gặp ông Phạm Văn Kha - Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế. Ông Kha cho chúng tôi biết: Sở dĩ huyện chọn xã Quảng Tân để làm dự án vì đây là xã về đích nông thôn mới vào năm 2017, trong đó có rau sạch. Khi HTX Quảng Tân hoạt động kém hiệu quả, cộng thêm việc Chủ nhiệm HTX bị ốm nên phải dừng lại và cuối cùng phải giải thể HTX. Từ đó, huyện đồng ý cho một doanh nghiệp vào để tiếp tục thực hiện dự án.

Khi chúng tôi hỏi về kinh phí đầu tư cho dự án, ông Kha cho biết: Tổng kinh phí của Dự án là gần 3 tỷ đồng. Khi dự án bị "dừng lại" thì trách nhiệm thuộc về ai và liệu có tiêu cực trong quá trình triển khai không? Ông Kha khẳng định là không có tiêu cực gì hết còn trách nhiệm thì thuộc về… do bước đầu huyện rất bỡ ngỡ về kinh tế thị trường! Cuối giờ làm việc, chúng tôi có đề nghị ông Kha cung cấp cho các tài liệu thanh quyết toán, biên bản họp và danh sách giao tiền cho xã viên HTX, ông Kha đồng ý và giao việc này cho ông Khải thực hiện. Đầu giờ chiều chúng tôi gọi điện thoại, được anh Khải giải thích: “Nhà báo hẹn 13h nhưng không thấy đến, tôi chờ đến 13h30, sau đó tôi đi xã Đầm Hà có chương trình làm việc, hẹn gặp nhà báo lại sau”.

Khoảng 10 ngày sau chúng tôi lại gọi điện cho anh Khải và được nghe: Theo quy chế phát ngôn của huyện, về việc này xin các anh liên hệ với ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện để được trả lời. Theo lời ông Khải, ngày 23/3 chúng tôi trở lại UBND huyện Đầm Hà, lúc đó là 11h trưa, sau cái bắt tay, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện nói ngắn gọn: Về dự án đó, chúng tôi đang cho thanh tra, các anh thông cảm, tôi phải bận về tỉnh họp, mời các anh làm việc với anh Phượng, Phó Chủ tịch huyện. Đầu giờ chiều, chúng tôi làm việc với Phó Chủ tịch Huyện Đầm Hà, ông Lê Bình Phượng. Do chương trình làm việc đột xuất, không báo trước, ông Phượng cho biết: Thực tình, tôi được phân công là phát ngôn của huyện nhưng chỉ ở những sự kiện là chính, còn cái này (Dự án rau sạch - PV) tôi không nắm được cụ thể. Nhưng thôi, các anh đã đến, ta cứ nói chuyện, cần đến đâu tôi sẽ hỏi các cán bộ chuyên môn liên quan để trả lời.

Phóng viên: Xin anh nói thật ngắn gọn về dự án này?

Phó Chủ tịch (PCT) Lê Bình Phượng: Ban đầu là một mô hình về nhà lưới trồng rau sạch thí điểm, chỉ có 1ha đất. Về nguyên tắc, khi huyện rót tiền xuống, HTX phải có "vốn đối ứng", nhưng vì khi có dự án HTX mới được thành lập, không có vốn đối ứng, xã viên chỉ có đối ứng bằng đất đai, còn nguồn giống, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật… phải từ các nguồn hỗ trợ khác. Mục đích thành lập HTX là chỉ để “đón vốn” của huyện xuống thôi. Vấn đề này chưa rõ nên huyện đã chỉ đạo cho thanh tra làm việc.

Phóng viên: Kết quả thanh tra thế nào rồi ạ?

PCT Lê Bình Phượng (Gọi điện thoại ngay cho Chánh Thanh tra rồi trả lời): Mới khảo sát, chưa có kết luận.

Phóng viên: Về tổng số tiền đầu tư cho Dự án đến nay đã quyết toán chưa ạ?

PCT Lê Bình Phượng (Gọi điện ngay cho Phòng Tài chính và được trả lời): Dự án có tổng mức gần 2 tỷ đồng, khi quyết toán không đến 2 tỷ, hiện đã quyết toán xong.

Phóng viên: Số tiền gần 2 tỷ trên đã có gói hỗ trợ tập huấn và cây giống gần 700 triệu trong đó chưa?

PCT Lê Bình Phượng (Sau khi hỏi lại Phòng Tài chính, trả lời): Gói 700 triệu là riêng, chưa có trong 2 tỷ, như vậy tổng số tiền dự án là dưới 3 tỷ đồng. Cả 2 gói đều có đầu mối quyết toán là Phòng Tài chính huyện, hiện đã làm quyết toán xong.

Phóng viên: Thời điểm anh Nhượng (ông Nguyễn Hữu Nhượng - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà) "nhẩy" vào để tiếp tục thực hiện dự án có liên quan gì với việc thanh quyết toán công trình không?

PCT Lê Bình Phượng: Khi thấy không thể hoạt động được nữa, huyện cho HTX giải thể, sau đó, UBND huyện đồng ý cho doanh nghiệp anh Nguyễn Hữu Nhượng "nhẩy" vào tiếp tục Dự án. Việc thanh quyết toán dự án đã làm xong, không liên quan gì đến nhà đầu tư mới. Đối với nhà đầu tư mới, UBND huyện sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp cận và thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ theo quy định và cũng yêu cầu họ nếu tiếp quản các cơ sở vật chất cũ thì phải làm việc, định giá theo quy định, việc này đã giao cho Phòng Tài chính huyện đang làm.

Ngay sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn trên,chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Hữu Nhượng, chủ đầu tư mới của Dự án. Anh Nhượng là một thanh niên năng động và tỏ ra rất tâm huyết với Dự án. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, anh Nhượng trình bày ngắn gọn dự kiến tổng mức đầu tư, quy mô Dự án, kỹ thuật trồng trọt, đầu vào, đầu ra... với hy vọng có thể đem lại lợi nhuận tốt nhất. Đến thời điểm hiện nay, anh Nhượng đã “gom” được 5ha đất và đang tìm thêm để mở rộng Dự án. Hiện anh Nhượng mong muốn được chính quyền huyện Đầm Hà tiếp tục tạo điều kiện cho thuê đất hơn nữa, mong có cơ chế thoáng để đầu tư lâu dài. Mong bà con nông dân ủng hộ doanh nghiệp, góp sức lao động cùng doanh nghiệp xây dựng phát triển mô hình thành công, đem lại lợi ích cho cả 3 phía: Doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. (Về tương lai của Dự án này, chúng tôi tiếp tục theo dõi và sẽ có bài viết riêng với mong muốn thành công và hiệu quả).


Đường bê tông vào nhà lưới khung sắt của Dự án không có rau xanh.

Trở lại những nghi vấn xung quanh dự án

Trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Lê Bình Phượng, tuy ông Phượng rất nhiệt tình hợp tác nhưng chúng tôi vẫn thấy toát lên mấy ý còn uẩn khúc là: Thứ nhất, việc làm nhà lưới, đường bê tông, nhà sơ chế... cho Dự án đều không thấy bản vẽ thiết kế, đơn vị nào thi công, như thế có đảm bảo kỹ thuật, công năng và hiệu quả kinh tế không? Ông Phượng giải thích rằng: Dự án có đủ bản vẽ thiết kế, đơn vị thi công nhưng vì tài liệu này quá dài nên không thể chuyển được hết cho nhà báo; Thứ hai, toàn bộ Dự án đã được thanh quyết toán xong từ năm 2014, vậy tại sao huyện lại không cung cấp tài liệu ngay (chắc chắn đây không phải là bí mật quốc gia!) mà lại đùn đẩy quả bóng trách nhiệm qua nhiều đồng chí lãnh đạo khiến phóng viên phải đi lại nhiều lần rất vất vả. Vì sao vậy? Ông Phượng lại giải thích: Vì nhà báo đến đột xuất nên chưa có sự chuyển bị tài liệu, hơn nữa dự án đang thanh tra, chưa có kết luận, phải chờ đợi! (Sau đó huyện đã chuyển 1 số tài liệu cho nhà báo, nhưng thực tế phóng viên chỉ nhận được 3 công văn rất chung chung (qua email) có tính chất thủ tục của dự án).

Khi buổi làm việc gần kết thúc, ông Lê Bình Phượng có lời mời chúng tôi ở lại nghỉ ngơi ăn uống và cảm ơn sự quan tâm của nhà báo với Đầm Hà. Chúng tôi xin cảm ơn lại và hẹn dịp khác vì công việc. Trước khi ra về, chúng tôi đề nghị ông Phượng xác minh cho thông tin: Có hiện tượng bà con ở HTX Quảng Tân chỉ nhận ít rau giống hoặc không được nhận, không được tập huấn nhưng lại có kê khai quyết toán khống với số lượng lớn để hợp thức hóa tổng số tiền quyết toán dự án. Ông Phượng khẳng định chưa nghe gì việc ấy, nếu có thì cũng nằm trong nội dung mà thanh tra huyện làm. Chúng tôi tiếp tục đề nghị anh Phượng cung cấp các tài liệu về Dự án như: bản thanh quyết toán các hạng mục của dự án, danh sách xã viên HTX nhận tiền, số lượng cây giống đã giao cho xã viên... Ông Phượng đồng ý và hẹn sẽ cung cấp cho nhà báo. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay (17/4/2017), chúng tôi vẫn chưa nhận được tài liệu nào cả. Như vậy, câu trả lời vẫn còn ở phía trước, phía các đồng chí lãnh đạo huyện Đầm Hà. Sự việc rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý chức năng tại Quảng Ninh.

Vĩnh Bảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load