Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế đặc thù cho TP.HCM không phải là sự ưu ái, mà cần có tính đột phá, nhằm hỗ trợ thành phố giữ vai trò đầu tàu, hoàn thành mục tiêu đại hội Đảng XIII đề ra.
Cơ chế đặc thù không phải là sự ưu ái
Chiều 17/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM thực hiện buổi giám sát tại UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022 và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, buổi giám sát nhằm trao đổi và thảo luận sát các vấn đề tạo động lực cho TP phát triển bền vững. Theo đó, ông đề nghị các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận sâu vào việc kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.
Góp ý khi thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để phát triển thành phố, hướng đề xuất Bộ Chính trị cần có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phải rõ ràng và thật sự thuyết phục.
ĐB Trương Trọng Nghĩa tại buổi giám sát |
Theo ông, qua 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54, có nhiều cái làm được, nhiều hạng mục triển khai chậm, chưa triển khai. “Nhiều chính sách chúng ta chưa thật sự làm tốt, làm chậm, chúng ta không đổ thừa, mà phải đưa ra những lý do khách quan một cách thuyết phục”, ông Nghĩa nói.
Ông cho rằng, khi báo cáo ra Quốc hội cần nhấn mạnh các yếu tố đột phá, ví dụ như vấn đề ngân sách để lại ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển.
“Chúng ta đề xuất cơ chế đặc thù không phải xin ưu đãi, mà nhằm để TP tiếp tục vai trò đầu tàu về kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra. Phải làm rõ tinh thần này, nếu không thì các tỉnh, thành lại có tâm lý chúng ta được ưu ái”, ông Nghĩa gợi ý.
Cũng theo ông Nghĩa, phải xem cơ chế đặc thù là điểm tựa, đòn bẫy cho TP phát triển. Có hai yếu tố khi đề xuất: cơ chế tương xứng mới làm được; cơ chế là phải mang tính đột phá.
Còn ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, việc thuyết phục Trung ương để lại ngân sách tăng thêm cho TP, đáp ứng nhu cầu phát triển là cần thiết.
Theo ông, đà tăng trưởng của TP.HCM đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Nguyên nhân một phần bởi diễn biến của dịch Covid-19, nhưng phần quan trọng khác do còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực...
ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu tại buổi giám sát |
Trong giai đoạn tiếp theo, để có nguồn lực tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, thành phố cần tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố ở mức hợp lý hơn (tỉ lệ này hiện nay là 21%).
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thuyết phục Trung ương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho thành phố, phải đi kèm việc chịu trách nhiệm cao hơn với Trung ương và nhân dân. Trung ương cũng nên thấy, thành phố chi ra 1 đồng từ ngân sách thì thu lại khoảng 4,5 đồng. Để lại ngân sách phù hợp thì TP có điều kiện phát triển và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương.
Cần Nghị quyết thay thế đảm bảo tính liên tục
Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội có 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 1.843,79 ha.
Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Về quản lý đầu tư, TP được quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP.
Ông Hoan khẳng định, triển khai Nghị quyết 54 có hiệu quả, các đề án cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu, xây dựng tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị TP.
TP.HCM cần cơ chế đặc thù mới tạo đòn bẩy phát triển bền vững hơn |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc thực hiện Nghị quyết 54 vẫn còn một số hạn chế. Ảnh hưởng của đại dịch đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai Nghị quyết 54; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai kế hoạch sử dụng đất, chủ đầu tư các dự án.
Cũng có nhiều chính sách chưa thể triển khai theo cơ chế đặc thù hoặc triển khai chậm do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài…khi triển khai cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn.
Cuối năm nay, khi Nghị quyết 54 sẽ kết thúc, cần một cơ chế thay thế, đảm bảo tính liên tục. Do vậy, Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù của TP.HCM cần có tính đột phá. UBND TP sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển bền vững.
Theo UBND TP, Nghị quyết mới bao gồm các nội dung kiến nghị thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM; những cơ chế mà TP đang cần Trung ương hỗ trợ để phát huy tốt hơn lợi thế, tiềm năng của mình, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức…
Theo Hồ Văn/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/nghi-quyet-moi-ve-co-che-dac-thu-cua-tp-hcm-can-co-tinh-dot-pha-2020447.html