Thứ bảy 14/09/2024 20:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Nghĩ nhân ngày Doanh nhân

10:26 | 12/10/2010

1. Ngày mai là 13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam. Xã hội mình bây giờ đang rất tôn vinh đội ngũ này và họ được vinh danh là "người lính xung kích trong thời bình", là "lực lượng chủ lực của nền kinh tế", là "nhân vật trung tâm của công cuộc CNH, HĐH nước nhà"...

Nhưng trong ngày vui này, tôi lại muốn chia sẻ một chút với những “người lính” ở “mặt trận” kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, họ đang rất thiệt thòi.


Ảnh minh họa

Đành rằng, bất kỳ ai làm kinh doanh, dù dưới hình thức nào, thành phần kinh tế nào, đều có thể coi là doanh nhân. Tuy nhiên, cần phải nói thẳng rằng, muốn "Phát huy vai trò doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế" thì việc đầu tiên và cơ bản là chúng ta (đặc biệt là  Đảng - Nhà nước) phải nhìn nhận rõ vai trò bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) của mọi thành phần kinh tế.

2. Hãy nhìn lại một thập kỷ qua, từ khi chúng ta có Luật DN, tuy số lượng DNTN đã tăng lên chóng mặt từ con số không lên đến hơn nửa triệu; nhưng điều đáng buồn là có tới 97% trong số đó vẫn chỉ ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ (80% trong số này có vốn dưới 5 tỷ và số nhân công dưới 50 người). Chúng ta khó mà kể tên những DNTN quy mô lớn có thể dẫn dắt thị trường, hay nổi trội về công nghệ, quản lý hay vươn ra cạnh tranh quốc tế. Vì sao vậy?

Chúng ta nói rằng các thành phần kinh tế được bình đẳng trong kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Thế nhưng, làm sao có thể cạnh tranh bình đẳng, nếu như có những DNNN vẫn đang được dành hết ưu ái này đến ưu tiên nọ. Cũng khó mà trông đợi một chính sách công bằng từ ông thứ trưởng được giao làm chủ tịch tập đoàn, hay chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm quản lý vốn nhà nước trong DN. Bình đẳng làm sao khi DNTN còn phải chịu những sự vòi vĩnh, sách nhiễu của cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường, quản lý giao thông … và phải chịu những "chi phí bôi trơn" làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa?

Dường như chúng ta vẫn đang dành quá nhiều quyền cho các DNNN dù hoạt động của họ chưa thực sự hiệu quả. Đương nhiên các DNNN vẫn cần có vai trò quan trọng với những ngành, những dự án mà DN của các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư vì lý do an ninh, lý do lợi nhuận hoặc vì quy mô, tổng vốn đầu tư quá lớn. Nhưng tại sao, nếu như cần có những "quả đấm mạnh" làm đầu tàu cho nền kinh tế, cạnh tranh với thế giới, chúng ta lại không thể thành lập những tập đoàn kinh tế đa sở hữu, có các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia với một cách tự nhiên theo quy luật kinh tế, kinh doanh theo các quy luật của kinh tế thị trường?

3. Trong phát biểu mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã nêu cao vai trò của đội ngũ doanh nhân -- DN Việt  Nam rằng: “Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc xây dựng đội ngũ Doanh nhân Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng - nhân tố quyết định xây dựng CNH, HĐH thành công, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu của đất nước”.

Thế nhưng, để làm được điều đó, để phát huy được vai trò của lực lượng doanh nhân thì trước hết phải tạo ra cho đội ngũ này sự đoàn kết. Mà muốn họ đoàn kết thì cần có sự bình đẳng. Vì thế, chúng ta cần có sự nhìn nhận lại từ từ thể chế cho đến tổ chức thực hiện.

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã định hướng là tôn trọng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Và hy vọng, định hướng này sẽ được chính thức hóa và hiện thực hóa thành hành động.

Phạm Nguyễn

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load