(Xây dựng) - Bùi Minh Pha, tên gọi khác là “ Sỹ Lùn” (xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Khi đến đầu làng, chúng tôi có hỏi thăm nhà anh “Sỹ Lùn” thì không ai là không biết anh, bởi nghị lực sống của chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngày hạnh phúc của anh chị
Trao đổi với chúng tôi, anh cho hay: “Anh tên thật là Bùi Minh Pha (SN 1985), tên gọi khác là “Sỹ Lùn”, sinh ra trong một gia đình nghèo với 6 anh em trên mảnh đất quê hương thuần nông, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.
Anh Pha sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ cùng trang lứa, nghịch nghợm, chạy nhảy và leo trèo. Năm lên 4 tuổi, anh bị tai nạn giao thông và phải “treo giò” trong một thời gian dài. Chân tháo bột chưa lâu, anh Pha tiếp tục lại bị gãy xương chân nhiều lần, sau này anh được thông báo bị mắc chứng giòn xương, xương có thể bị gãy bất cứ lúc nào nếu có lực tác động dù là nhẹ.
“ Cho đến nay, biết bao nhiêu chiếc đinh đã được đóng vào chân để nẹp xương, số lần mình phải bó bột chân đã lên tới 30 lần, nên đôi chân dần teo lại, ngắn ngủn”- Anh Pha chia sẻ.
Nhắc đến thời còn đi học, với là anh vô vàn khó khăn khi phải ngồi xe lăn đến trường. Khi chúng tôi hỏi, có người bạn thân nào hay giúp đỡ anh trong việc đến trường không, anh vừa cười vừa nói: “ Bạn thì có nhiều, nhưng “bạn” thường xuyên cùng mình đến trường thì đó chính là chiếc xe lăn”.
Vào phổ thông trung học, anh tích cực học tập và tham gia các phong trào hoạt động văn nghệ của đoàn trường. “ mình cảm thấy rất vui khi nhận giải nhất giọng hát hay của trường, vì thế mình luôn có gắng học tập để không phụ lòng mong mỏi của tất cả mọi người” - anh nhớ lại.
Cánh cửa tương lai của anh bắt đầu hé mở từ khi anh thi đỗ vào trường đại học Công Nghiệp Hà Nội – khoa Công nghệ thông tin, là bước ngoặt nghề nghiệp của anh sau này.
Tháng 8/2009, tốt nghiệp đại học ra trường với muôn vàn khó khăn trước mắt, nhưng với nghị lực sống cùng kiến thức học được trong trường đại học và số tiền ít ỏi mà gia đình và anh đã dành dụm bấy lâu, chỉ hơn 3 tháng sau khi ra trường anh quyết định mở cửa hàng sửa chữa và lắp đặt, bán lẻ linh kiện, thiết bị tin học tại nhà.
Cũng chính ngày khai trương cửa hàng, ngày anh không bao giờ quên bởi mối tình “ sét đánh” ngay từ ánh mắt đầu tiên của anh với cô gái khéo ăn, khéo nói với nghề bán hàng dong.
Người phụ nữ khiến anh “say tình” là chị Mai Thị Lý (SN 1981) hơn anh bốn tuổi. Mồ côi cha từ bé, gia đình đông anh em, chị Lý đã phải cùng mẹ chăm lo cuộc sống gia đình. Chính vì thế, một người mất mát về mặt tinh thần còn một người mất mát về mặt thể xác sớm bén duyên nhau từ lúc nào không hay, chỉ biết rằng tình cảm giữa hai người cứ lớn dần theo năm tháng.
“Sau nhiều lần tiếp xúc hai người hiểu nhau hơn, cô ấy đến chơi với mình nhiều hơn, giúp mình dọn dẹp cửa hàng và việc nhà, nhiều lúc mưa rét căm căm cũng đến nấu cơm, chăm sóc mình mặc dù 2 nhà xa nhau tới 7km” - anh Pha kể lại.
Sau một thời gian tìm hiểu, cảm nhận được tình yêu đã đủ “chín” và được sự chấp thuận 2 bên gia đình, anh chị quyết định chung sống với nhau. Đám cưới giản dị như bao đám cưới khác được tổ chức trước sự thán phục của bạn bè và bà con lối xóm.
Nhắc đến thời gian đầu khi hai người mới về ở với nhau, chị Lý nói trong nghẹn ngào: “là cái tình yêu giữa những người thiệt thòi nên mình cũng hiểu và thương anh nhiều lắm, nhiều đêm anh Pha đau chân thức trắng đêm mà lòng mình cũng đứt từng khúc ruột”.
Niềm vui càng nhanh lên gấp bội khi cháu Bùi Xuân Phúc ra đời trong niềm vui của gia đình hai họ, là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của anh chị. “Niềm vui lớn nhất của gia đình có thể nói khi cháu Phúc sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và kháu khỉnh” anh Pha khoe với chúng tôi.
Khâm phục trước nghị lực của hai anh chị, bà con hàng xóm rất quan tâm, giúp đỡ tới gia đình anh chị. Một người hàng xóm gần nhà chia sẻ: “ Vợ chồng chú Pha chưa bao giờ thấy cãi vã. Họ sống rất hòa thuận và được lòng yêu mến của người dân xung quanh”.
Tráng Vũ
Theo