(Xây dựng) - Đã hơn một năm kể từ khi Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng có hiệu lực, hơi thở của Nghị định đã thực sự đi vào cuộc sống. Mặc dù trong quá trình thực hiện còn một vài “điểm khó”, tuy nhiên đây là một trong những Nghị định được quốc tế đánh giá cao, góp phần cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao môi trường đầu tư trong hoạt động xây dựng.
Nâng cao môi trường đầu tư ở Việt Nam
Theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng (GPXD) thì GPXD bao gồm ba loại là xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo và di dời công trình. So với quy định cấp GPXD trước đây thì quy định này có nhiều điểm mới. Đối với công trình cấp 1, cấp đặc biệt, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì có thể đề nghị để được xem xét cấp GPXD theo giai đoạn. Đối với công trình không theo tuyến, chỉ được cấp GPXD tối đa hai giai đoạn, bao gồm giai đoạn xây dựng phần móng và tầng hầm (nếu có) và giai đoạn xây dựng phần thân của công trình. Đối với dự án gồm nhiều công trình, chủ đầu tư có thể đề nghị để được xem xét cấp GPXD cho một hoặc tất cả các công trình thuộc dự án. Ngoài ra việc sửa thiết kế trong nhà không phải điều chỉnh GPXD.
Ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: Đây là lần đầu tiên có Nghị định về cấp phép xây dựng, trong đó Nghị định quy định cụ thể về trình tự, nội dung bộ thủ tục về cấp GPXD, trong đó có quy định cụ thể về cấp phép xây dựng tạm. Mặc dù các địa phương có các ý kiến khác nhau về Nghị định 64/2012/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn tập trung vào 3 nội dung là phải có thiết kế quy hoạch, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Trong việc cấp phép xây dựng, là một trong những công cụ góp phần làm minh bạch trong hoạt động cấp phép xây dựng và quản lý cấp phép xây dựng trong quy hoạch.
Hiện nay các địa phương đang tập trung hoàn thiện 3 quy định nêu trên về cấp phép xây dựng. Tuy nhiên tác động của Nghị định 64/2012/NĐ-CP vào môi trường đầu tư các hoạt động xây dựng là rất lớn. Theo đánh giá tổng kết năm 2013, thì số lượng các công trình xây dựng sai phép, và không phép đã giảm hẳn so với mọi năm. Cũng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường đầu tư ở Việt Nam, theo bộ 11 tiêu chí đánh giá thì có 9 tiêu chí tụt hạng, chỉ có 2 tiêu chí thăng hạng. Trong đó tiêu chí về cấp GPXD là tiêu chí duy nhất trong quản lý hoạt động xây dựng được thăng hạng.
Lần đầu có một Nghị định “chính quy”
Ngoài ra Nghị định 64/2012/NĐ-CP đã quy định rõ: Trong trường hợp điều chỉnh thiết kế không ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc bề ngoài và không ảnh hưởng đến các yêu cầu khác như: Phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm thì không cần thiết phải xin điều chỉnh GPXD. Trước đây, trường hợp đã được cấp GPXD rồi muốn điều chỉnh thiết kế thì phải xin điều chỉnh GPXD. Đối với quy định về cấp phép xây dựng tạm cũng rất rõ ràng: Cụ thể, đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì tổ chức, cá nhân được đề nghị xin GPXD tạm và phải đúng mục đích sử dụng đất.
Thủ tục cấp phép xây dựng “một cửa” được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa. Tức là, nếu công trình xây dựng của người dân có liên quan đến đê điều thì cơ quan cấp phép có trách nhiệm hỏi ý kiến cơ quan quản lý về đê điều hay như trường hợp công trình xây dựng của người dân liên quan đến hành lang đường bộ, đường sắt, lưới điện,… thì cơ quan cấp phép phải hỏi ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp cơ quan cấp phép hỏi mà cơ quan có liên quan không trả lời, thì cơ quan cấp phép căn cứ vào quy định để cấp phép. Nếu sau này có vấn đề gì thì cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Tiến Tài - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: Theo các quy định của Nghị định thì tất cả các đầu mối về cấp phép xây dựng tại các địa phương được giao về cho Sở Xây dựng, kể cả các công trình tôn giáo. Điểm khác là trước đây những công trình này, thuộc thẩm quyền cấp phép của các cơ quan quản lý về văn hóa. Ngoài ra việc cấp GPXD đã có quy định cụ thể về cấp giấy phép nhà ở nông thôn, và cụ thể hóa ra được vùng nào phải cấp GPXD, và quy định cơ sở, điều kiện để cấp GPXD một cách rõ ràng.
Tuy nhiên những quy định để phù hợp với quy hoạch chi tiết, và thiết kế đô thị cũng như quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị thì chính quyền địa phương phải cùng bắt tay để quản lý. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế trong quy định chung, cụ thể để cấp được GPXD thì hồ sơ giấy tờ bắt buộc yêu cầu phải có những loại giấy tờ như GCNQSDĐ. Quy định này gây khó khăn cho việc cấp phép đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật theo tuyến, ví dụ như những đường ống nước, đường cáp điện, thông tin liên lạc. Thực tế những công trình này chỉ đi nhờ trên những hè phố và lòng đường, chứ cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể cấp GCNQSDĐ đối với những loại công trình này được, đây cũng là một trong những kiến nghị cần Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.
Cũng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP, nhà, đất nằm trong quy hoạch lộ giới các tuyến đường, tuyến hẻm hiện hữu mở rộng không thuộc trường hợp được cấp phép xây dựng tạm mà chỉ được sử dụng theo hiện trạng. Một điểm mới nữa là, trước đây, công trình cấp phép tạm thường bị giới hạn chiều cao không quá 3 tầng, gây rất nhiều khó khăn cho người dân, từ đó dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Ngoài ra, để tránh phiền hà, quy định cũng nêu rõ, trong trường hợp công trình theo GPXD tạm hết thời hạn tồn tại, nhưng Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch, chủ đầu tư có thể đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại. Với cơ quan thụ lý hồ sơ, phải xem xét kỹ và chỉ được thông báo một lần bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trường hợp lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan, trong thời hạn 10 ngày các cơ quan đó phải có ý kiến về các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; nếu công trình không liên quan đến điều kiện thì không phải lấy ý kiến. Với khu vực nông thôn, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu quy định khu vực lập quy hoạch nông thôn mới và khu vực phải xin GPXD. Ngoài hai khu vực trên, việc xây dựng tại nông thôn sẽ không phải xin GPXD.
Vũ Chiến
Theo