Chủ nhật 15/09/2024 01:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Nghệ sĩ và sự thiếu hụt kiến thức văn hóa

10:29 | 19/10/2014

Trên sóng truyền hình trực tiếp, vòng bán kết chương trình Nhân tố bí ẩn khiến khán giả ngỡ ngàng khi nhóm Fband trình diễn các ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên trong bối cảnh hoành tráng, nhưng lại sử dụng chiếc khăn Piêu của người Thái Tây Bắc như một chiếc khố. Sự cố này một lần nữa khiến công chúng bất bình, không chỉ vì sự thiếu hụt kiến thức văn hóa của nghệ sĩ, mà còn vì sự sơ suất của những người phụ trách.

Theo truyền thống dân tộc, người phụ nữ Thái thường dùng khăn Piêu để đội đầu, khăn đồng thời là thước đo phẩm giá người phụ nữ. Ðây còn là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái, là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai và đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, chẳng hạn như bài hát Chiếc khăn Piêu nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho.

Một lần nữa năng lực, nhận thức của người tổ chức chương trình và văn hóa của thí sinh lại bộc lộ những điểm bất cập khiến công chúng thất vọng. Mặc dù ban nhạc và phía công ty giữ bản quyền chương trình là Cát Tiên Sa đã lên tiếng xin lỗi, nhưng vẫn còn đó một nỗi lo. Bởi một chương trình lớn được phát sóng trực tiếp như vậy, chắc chắn phải được chuẩn bị kỹ càng qua nhiều khâu trong một khoảng thời gian không ngắn. Vậy mà lỗi thông thường như vậy vẫn "lọt lưới". Không chỉ có Fband mắc lỗi trang phục, trước đó, trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 5, ca sĩ H.L cũng từng bị khán giả chê trách khi hát bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người ở đừng về, nhưng cách ăn mặc lại khiến người xem liên tưởng đến phim cổ trang Trung Quốc.

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân như: phông văn hóa của nghệ sĩ còn thấp, trình độ người sản xuất - thực hiện chương trình còn hạn chế, khâu kiểm duyệt còn chưa thật kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là những sai phạm này xảy ra quá thường xuyên, nhất là ở các chương trình truyền hình thực tế. Thí dụ thì nhiều vô kể: chương trình Người giấu mặt gây "choáng" với hình ảnh... cởi đồ của thí sinh nữ; chương trình Vua đầu bếp có màn... chặt đầu con ba ba khá kinh dị; không ít các chương trình tìm kiếm người mẫu, thi nhảy múa, thi ca hát, bị khán giả lên án vì những phát ngôn gây sốc của cả người chơi lẫn ban giám khảo; chuyện ăn mặc hở hang trái với thuần phong mỹ tục, chuyện bóp méo giới tính để "mua vui"... trở thành phổ biến. Vì vậy, nếu như mặt tốt của việc liên kết sản xuất, xã hội hóa các chương trình truyền hình hiện nay là làm phong phú lựa chọn giải trí, thỏa mãn thị hiếu của khán giả hiện đại, thì nó cũng kéo theo không ít hệ lụy. Bởi với mật độ dày đặc các chương trình đủ thể loại, những sai phạm đương nhiên cũng đủ thể loại, càng ngày càng biến tướng và khó kiểm soát.

Mặc dù vậy, sau mỗi lần xảy ra xì-căng-đan, chưa thấy chương trình nào mắc lỗi này bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc cầm lên sóng, thậm chí có chương trình còn "thoát" cả án phạt hành chính.

Ðó cũng là những bất cập, hạn chế của công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Những chế tài cứng rắn trong Nghị định 79 và Thông tư 03 liên quan đến quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã phần nào khiến nhiều "ngôi sao" của làng giải trí phải biết tiết chế hành động của mình. Thế nhưng lại chưa có quy định nào điều chỉnh hành vi của những người tham gia truyền hình thực tế. Sau mỗi sự việc không hay xảy ra, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại vào cuộc yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình nhưng sự việc cũng chỉ dừng lại ở đó. Những lời xin lỗi, giải thích được đưa ra rồi... rơi vào quên lãng. Thiết nghĩ, để chấp nhận truyền hình thực tế tại Việt Nam như là một xu hướng toàn cầu, thì các nhà quản lý văn hóa cần mạnh tay hơn trong xử phạt, để những chuyện phản cảm, thiếu văn hóa, không còn tiếp diễn trên các chương trình truyền hình và trên các sân khấu biểu diễn.

(*) Tiêu đề đã được Báo điện tử Xây dựng đặt lại.

Theo Nhân dân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load