Những chiếc máy hát Magnetophone cũ kỹ từ thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, chạy bằng băng Magnetic (quen gọi băng cối) tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng. Thế nhưng bắt nguồn từ đam mê sưu tầm, dòng máy hát cổ xưa ấy dần sống lại, tập hợp thành bộ sưu tập đồ sộ để hình thành nên một không gian nghe nhạc bằng máy Akai đầy thú vị, đem lại cho người yêu nhạc xưa một khoảng lặng dễ thương giữa Sài Gòn nhộn nhịp.
Máy nghe nhạc dùng băng magnetic được gọi chung là máy Akai - tên gọi phổ biến một nhãn hiệu máy hát Magnetophone của Nhật, vốn một thời xếp xó bởi trào lưu chơi nhạc hi-end hiện đại. Akai có bộ dạng dễ nhận với hai bánh băng cối to đùng, nhìn khó xài, nhưng một khi đã ưng bụng với âm thanh mộc mạc, giản dị không hề qua xử lý kỹ thuật của Akai thì thật dễ gây nghiện. Bởi thế Akai nay đang dần quay trở lại, ngoài góc độ phục vụ tín đồ yêu nhạc xưa, thú chơi Akai còn hình thành nên những không gian thưởng thức âm nhạc độc đáo, và cà phê La Tamia là một điển hình trong số ấy.
Cà phê La Tamia 38/5 Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1.
Chỉ vài bước chân vào con hẻm nhỏ ngay trung tâm quận 1 là ngôi nhà kín cổng cao tường với giàn hoa giấy phủ kín phần mặt tiền, một kiểu nhà phổ biến của giới trí thức, hoặc công chức văn phòng của người Sài Gòn xưa những năm 60 – 70, được Nghĩa Akai - một nhân vật sưu tầm máy hát Akai quen thuộc trong giới những người yêu nhạc xưa của Sài Gòn - xây dựng thành điểm đến dành cho người có cùng đam mê sưu tầm máy hát và các thể loại băng đĩa nhạc từ những năm 50 – 70 của thế kỷ trước, và đặt tên là La Tamia - dịch nghĩa từ tiếng Pháp là “con sóc”.
Không gian của La Tamia gây ấn tượng mạnh với những người hoài cổ, ngoài bộ sưu tập máy Akai phong phú và đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, còn thấy ở đó các thể loại amply, loa kèn, loa thùng, tivi cửa lùa, quạt marelli cổ, đến cả những bộ ghế salon thùng cũ xưa, hẳn rất quen với chi tiết trang trí nội thất trong các gia đình trung lưu ở Sài Gòn cũ. Đem lại một tổng thể không gian gợi cho người xem ngược dòng thời gian đến 30 - 40 năm về trước.
Với lợi thế sẵn có là bộ sưu tập máy hát Akai, chủ nhân của La Tamia tận dụng tối đa các khoảng không gian quán để làm nơi trưng bày bộ sưu tập đồ sộ của mình, mượn luôn hình dáng độc đáo của những máy hát chạy băng cối để làm chi tiết trang trí nội thất. Dù không gian được làm mới, bố cục theo mục đích phục vụ quán cà phê chứ không hẳn là một không gian nhà ở thuần tuý, thế nhưng nhờ sự bố cục và sắp đặt các vật dụng cùng thời, từ những chi tiết nhỏ như chiếc máy ảnh cũ, máy chiếu phim nhựa, bộ bàn ghế xưa, máy hát cũ, cộng với âm thanh dìu dặt, trầm bổng, nhả rõ từng tiếng từ cặp loa kèn được độ lại hoàn chỉnh, như rót thấu tâm can, dễ gây được những rung cảm đầy thú vị khi thưởng thức dòng nhạc xưa từng một thời vang bóng trong không gian mới mà rất cũ ấy ở La Tamia.
Cùng là một ngôi nhà, nhưng dựa vào những bố cục sẵn có của không gian, Nghĩa Akai phân chia thành từng mảng không gian riêng, tạo sự tách biệt, nhưng đồng nhất ở cùng một điểm là các đồ vật trang trí trong nội thất đều là đồ xưa cũ, kể cả bộ sưu tập dòng nhạc xưa khá đồ sộ - đủ để phục vụ những vị khách sành điệu, khó tính và kén chọn nhất trong việc yêu cầu tìm nghe những bản nhạc bất hủ một thời quá vãng.
Không gian được chăm chút kỹ lưỡng nhất, ấy là căn phòng lạnh, nơi tập trung thưởng thức chuyên biệt những dòng nhạc yêu thích, chủ yếu dành cho giới những người nghiện nhạc xưa và dân chơi âm thanh, sưu tầm máy Akai. Căn phòng này có điểm nhấn gây chú ý nhất là cặp loa kèn, lấy ý tưởng từ Oris BD design, được gia công tại Việt Namvới đường kính hơn 1m. Cặp loa này tạo dải âm thanh rộng, sâu cho người thưởng thức. Nếu xét ở góc độ trang trí nội thất, cặp loa kèn là điểm nhấn rất duyên trước bộ sưu tập Akai sắp đặt khắp mảng tường, đem lại một không gian thưởng thức âm nhạc vừa ấm cúng, vừa thật đầy thú vị.
Ngồi vào từng góc nhỏ ở La Tamia, cứ cảm giác như đang ở một không gian đâu đó xa lắm, nơi không có những xô bồ, bon chen, không có những hối hả vội vã của nhịp sống thị thành thời đại, tất cả nhường chỗ cho các món đồ xưa cũ có dịp trở về đúng với giá trị thực của nó. Mỗi góc quán được chăm chút cẩn thận, không quá cầu kỳ, sang trọng theo kiểu phô trương, mà có chút gì đó kín đáo, e ấp, thậm chí xù xì thô ráp với thời gian. Sự chăm chút ấy hẳn không dễ để cảm ngay được từ cái nhìn đầu tiên, nhưng nếu dành một nhịp chậm để quan sát, sẽ tìm được ở đó những cung bậc tình cảm, những cảm xúc chân thành, nồng nàn da diết theo tiếng nhạc xưa, trong không gian đặc quánh những hiện vật vàng son của một thời kỳ quá vãng, dễ khiến những người đã từng một thời gắn bó với các hiện vật xưa cũ ấy thêm một lần xao động.
Chẳng thế mà ở La Tamia, vào những ngày thường hay những buổi hát nhạc xưa mỗi sáng thứ 7 và tối thứ 4 hàng tuần, rất dễ gặp lại ở đó những người xưa, có thể là những ca sĩ lừng danh một thời như Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung, hay các lữ khách trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, cả những cư dân mới của Sài Gòn hôm nay, nhưng tất cả đều có điểm chung, ấy là họ đến để mong muốn tìm lại những cảm xúc cho riêng mình, từ một bản nhạc xưa mà nay không dễ tìm nghe được ở dòng băng đĩa hiện đại, từ một góc quán với các đồ nội thất xưa cũ, hay từ những người bạn cùng sẻ chia một niềm đam mê, mong tìm một khoảng lặng kỳ thú giữa Sài Gòn đô hội.
Nguyễn Đình
Theo baoxaydung.com.vn