Thứ sáu 13/12/2024 02:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nghề báo: Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa

09:42 | 19/06/2023

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khuyên những người làm báo phải: "Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa!". Cái sâu sắc ấy là bề dày kiến thức, là sự trải nghiệm, ngẫm ngợi, đúc rút ra những lẽ nhân sinh sâu lắng.

Người làm báo có kinh nghiệm, ngòi bút thấu lẽ đời, mềm mại, uyển chuyển, lật đi lật lại vấn đề, không bao giờ đơn giản, một chiều. Ngược lại, nếu chưa đủ kiến thức, ngòi bút dễ nóng nảy, cực đoan, "ép" cuộc sống theo một cái lý giản đơn, lược bỏ đi nhiều mối quan hệ bản chất của nó. Người làm nghề chưa đạt đến độ sâu của nghề, coi như cũng chưa thành nghề vậy.

Người ta thường dùng nhiều từ "mạnh" để nói về nghề báo, như "nghề nguy hiểm", "nghề nghiệt ngã"... Quả đúng là nghề báo có sức hấp dẫn, nhưng có làm nghề hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mới thấy để theo được nghề luôn cần một sự cố gắng bền bỉ, dài lâu.

Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nhưng khi người làm báo trải nó ra trên mặt giấy, cái lát cắt ngôn từ có phần đơn điệu ấy phải làm sao lột tả được bản chất sự kiện, định hướng dư luận, trong khi yêu cầu thời gian luôn gấp rút.

Ngay cả truyền hình, với ưu thế "đem cả thế giới vào ngôi nhà của bạn", thách thức nghề nghiệp vẫn luôn đặt ra nóng bỏng. Bởi suy cho cùng, khuôn hình dù sinh động vẫn chỉ "gói" được những góc nhìn, những khía cạnh cụ thể, hữu hạn của đời sống đa chiều.

Nghề báo: Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa
Tác giả Trần Hữu Khoa, báo Dân trí, đoạt Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Với báo điện tử, sự nhanh nhạy của công nghệ đi liền với nguy cơ tin giả, những thông tin vội vàng do áp lực cạnh tranh trên không gian mạng có thể làm sai lệch bản chất vấn đề! Cái nghề tác động vào dư luận xã hội, nếu làm tốt thì tác dụng rất lớn, còn nếu sơ suất chút thôi, tác hại sẽ khôn lường.

Nói thế để thấy những thách thức đến nghiệt ngã của nghề báo, đồng thời thấy cả cái vinh dự của một nghề gắn với cuộc sống và sáng tạo.

Có đồng nghiệp đúc rút ra một "quy luật" thú vị rằng: Nhà báo mới vào nghề thì hay "khoe" đến chỗ sang trọng, gặp ông bộ trưởng này, bà chủ tịch kia, có khi bài viết choang choang mà thiếu hình bóng, cốt cách con người. Còn những nhà báo trải đời thì lại hay rủ rỉ gặp ông nông dân hồn nhiên ruộng đồng, thậm chí "khoe" gặp anh dân bản sống tận vùng cao xa tít tắp, đi bộ mấy ngày đường nói tiếng Kinh chưa sõi. Chẳng phải "làm bộ", "làm dáng" rằng nghề này phải "sát dân" mà cái chính, từ những chi tiết đời thường giản dị, lại "bật" lên những vấn đề nóng bỏng, sâu xa, ở tầm vóc "vĩ mô".

Có người nói, báo chí có chức năng "phản biện" cuộc sống. Phản biện không phải để phủ nhận, mà là bàn luận, phân tích cái đúng, cái sai, chỉ ra ách tắc để tháo gỡ. Quả thực, báo chí đã làm nhiều việc theo hướng đó. Nhiều vụ án kinh tế lớn được phanh phui trước công luận có công lớn của báo chí. Nhiều quy định chưa đúng, chưa sát được điều chỉnh kịp thời có công phát hiện của báo chí.

Không phải ngẫu nhiên, trong hành trang nhiều đại biểu về dự họp Quốc hội là những bài báo nóng hổi, phản ánh nguyện vọng của nhân dân đặt lên bàn nghị sự. "Nói có sách, mách có chứng", hạnh phúc của người làm báo là làm cầu nối giữa cơ quan công quyền với người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Không chỉ nói phần "tối", phanh phui tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm quan trọng của báo chí là phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, để cái tốt lấn át dần cái xấu. Trong số hàng trăm Anh hùng, Chiến sĩ thi đua được Nhà nước phong tặng, biết bao tấm gương được phát hiện, cổ vũ từ báo chí. Có những người chưa được phong Anh hùng nhưng trí tuệ, tấm lòng của họ đáng được xã hội trân trọng tôn vinh…

Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, nhưng những đóng góp của họ qua báo chí đã được dư luận xã hội biết đến và ghi nhận.

Việc tốt nhân lên, cuộc sống tự tìm ra hướng vận hành hợp lý để phát triển, mỗi cá nhân ý thức hơn vai trò, công việc của mình, thích ứng và làm tốt vai trò ấy. Không cần đao to, búa lớn, những tấm gương chân thực "người tốt, việc tốt" được báo chí phản ánh đã củng cố thêm niềm tin vào xã hội, vào cuộc sống.

Phê bình nhưng không vùi dập, khen ngợi nhưng không tán dương, trái tim nhà báo hướng về cuộc sống, lắng nghe tiếng nói từ cuộc sống, phản ánh nó với ước vọng ngày mai xã hội sẽ tốt hơn, cái xấu sẽ dần bị loại bỏ…

Trong thực tiễn bề bộn hôm nay, người làm báo vẫn còn bao trăn trở với cuộc sống, với nghề nghiệp của mình. Đã có hiện tượng một vài tờ báo thông tin quá đà, làm lộ bí mật quốc gia; thông tin sai lạc, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng tiếc, có những nhà báo vì quá say sưa chạy theo sự kiện, chịu sức ép của thông tin, dẫn đến nóng vội chủ quan, vượt qua những ranh giới pháp luật cho phép. Đó là những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc cần phải nghiêm túc xử lý và rút kinh nghiệm.

Đã có hiện tượng nhà báo cố tình viết sai sự thật để trục lợi. Hiện tượng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" thậm chí "cấp tốc" hơn: "sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ" đang làm vấy đục môi trường báo chí, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của công chúng và xã hội, không thể xem thường.

Tuy vậy, hiện tượng phổ biến và nguy hại khiến dư luận mất niềm tin lại chính là thái độ lẩn tránh trách nhiệm "mũ ni che tai" trước yêu cầu thông tin của công chúng. Đã nảy sinh không ít nhà báo tư tưởng "an phận", giữ cho mặt báo "sạch sẽ", tránh va chạm mà không quan tâm đầy đủ đến nhu cầu thông tin và được thông tin chính đáng của công chúng.

Từ những năm 50 của thế kỉ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở nghiêm khắc: "Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc." (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG- Sự thật, trang 129, tập 7).

Biểu hiện "cửa quyền thông tin", ảo tưởng "quyền lực báo chí" đã khiến không ít nhà báo xa rời đời sống nhân dân, "nhắm mắt" trước "những tín hiệu đã nhấp nháy lên rồi của đời sống" (chữ của Thép Mới). Chính quan niệm không đúng đắn đó đã làm giảm sút vai trò xã hội của báo chí, ảnh hưởng không tốt đến niềm tin công chúng đã gửi gắm vào ngòi bút của nhà báo…

Nghề báo là nghề không dễ dàng. Áp lực công việc rất lớn, bởi chỉ buông bút là bạn đọc sẽ lãng quên. Nuôi dưỡng niềm tin của công chúng, dám đối mặt với những thử thách của cuộc sống, người cầm bút đối mặt với những hiểm nguy có thật.

Làm nghề có vinh quang, có cay đắng, nhưng khi đã "sống sâu sắc, say sưa hơn nữa", người làm báo có thể tin tưởng rằng công chúng sẽ đồng hành trên mỗi vui buồn nghề nghiệp. Đó mới thật sự là phần thưởng trân quý của nghề!

Theo Đỗ Chí Nghĩa/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

    (Xây dựng) - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) có điều kiện đặc thù là vùng đất yếu, nguồn vật liệu sử dụng đắp nền cho các dự án giao thông là cát sông. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống đập thuỷ điện tại thượng nguồn từ nhiều năm trở lại đây đã khiến việc bồi lắng phù sa tại khu vực BĐSCL giảm đáng kể và có xu hướng ngày càng khan hiếm. Vì vậy, lựa chọn nguồn cát biển thay thế cát sông đang được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  • Bình Định: Sạt lở đèo An Khê do mưa lớn

    (Xây dựng) - Trong những ngày qua, tại khu vực đèo An Khê (nút giao thông nối hai tỉnh Bình Định - Gia Lai) mưa lớn kéo dài khiến đoạn đường đang thi công trên đèo bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

  • Bài 2: Đề xuất giải pháp đột phá cho chuyển đổi số

    (Xây dựng) - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Nhiều đề xuất thiết thực đã được đưa ra, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư hạ tầng công nghệ và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhằm tạo đột phá cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

  • Hậu Giang có tân Bí thư Tỉnh ủy

    (Xây dựng) – Chiều 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo Quyết định số 1729-QĐNS/TW của Ban Chấp hành Trung ương chuẩn y Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

  • Bài 1: Sắp xếp tinh gọn bộ máy, hướng tới đô thị loại I năm 2025

    (Xây dựng) – Sáng 11/12, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, vừa kết thúc thành công sau 2,5 ngày làm việc (từ ngày 9-11/12) với nhiều nội dung quan trọng.

  • Một số kiến nghị liên quan đến Chương trình phát triển đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030

    (Xây dựng) - Chương trình phát triển đô thị (Chương trình PTĐT) thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 78/HĐND ngày 15/12/2022 và UBND thành phố ban hành Quyết định số 3431/UBND ngày 30/12/2022. Tuy nhiên đến nay kết quả thực hiện Chương trình PTĐT cho thấy một số chỉ tiêu chính đã đề ra rất khó hoàn thành.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load