Thứ bảy 20/04/2024 09:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghệ An: UBND huyện Đô Lương nợ tiền nhà thầu 10 năm khiến tuyến đường tránh lũ dở dang

14:20 | 22/04/2021

(Xây dựng) - Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã được khởi công xây dựng từ năm 2011. Tuy nhiên, sau 10 năm thi công tuyến đường vẫn đang dở dang vì nguồn vốn giải ngân cho công trình không được bố trí đúng, đủ.

nghe an ubnd huyen do luong no tien nha thau 10 nam khien tuyen duong tranh lu do dang
Tuyến đường đã thi công xong phần cốt nền rải bây lu lèn, chờ có vốn để thảm nhựa nhưng vẫn dở dang nhiều năm nay.

Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn cấp thiết dở dang

Trước tình trạng người dân xã Hồng Sơn và các địa phương lân cận trên địa bàn huyện Đô Lương liên tục bị lũ, lụt cuốn trôi, mất tích mỗi khi mùa mưa đến, vào năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án xây dựng: Đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 43,9 tỷ đồng và giao cho UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (tổng thầu chính) và Công ty Cổ phần Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào.

Đây cũng là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiếu tối đa rủi ro về người và tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn xã Hồng Sơn mỗi khi mùa mưa đến. Mặt khác, công trình triển khai thi công tiếp nối với Quốc lộ 15 đưa vào sử dụng cũng sẽ phá vỡ thế cô lập, độc đạo mà trước đây việc đi lại của người dân xã Hồng Sơn với các địa phương khác rất khó khăn.

Người dân địa phương cho rằng, do nằm sát bên bờ tả ngạn sông Lam nên mưa thượng nguồn càng to bao nhiêu, nước ở khu vực xã Hồng Sơn càng dâng lớn bấy nhiêu, người dân bị cô lập, đã có nhiều người bỏ mạng khi đi qua tuyến đường này mỗi khi ngập lụt. Khi mùa lũ từ thượng nguồn sông Lam đổ về, xã Hồng Sơn bị cô lập hàng chục ngày liền trong cảnh màn trời, chiếu đất do không thể đi ra ngoài được.

Chính vì vậy, khi chủ trương Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn, người dân địa phương đều vui mừng, phấn khởi và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công với tiến độ nhanh nhất. Công trình cũng được nhà thầu thi công tự bỏ nguồn vốn trước để huy động phương tiện, máy móc, nguyên vật liệu và nhân lực với mong muốn người dân sớm có đường đi lại.

Chủ đầu tư ứng tiền nhà thầu nhiều năm chưa trả

Để đảm bảo tiến độ thi công công trình, trước đề nghị xin tạm ứng của chủ đầu tư là UBND huyện Đô Lương để chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nhà thầu đã chấp thuận đồng ý yêu cầu này. Theo đó, vào ngày 05/01/2012, ông Võ Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương kiêm Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng đã có Văn bản gửi Công ty Cổ phần Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC) xin tạm ứng số tiền 263 triệu đồng để chi trả cho các hộ dân.

Tiếp đó, vào ngày 05/8/2012, ông Võ Văn Ngọc cũng ký văn bản gửi nhà thầu thi công xin tạm ứng số tiền 309.749.000 đồng và cũng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân Mặc dù nguồn vốn hạn hẹp, kinh phí bố trí phục vụ cho công tác thi công chưa có nhưng nhà thầu thi công cũng đã chấp thuận đề nghị của UBND huyện Đô Lương. Và, cả hai lần, Công ty Cổ phần Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc đều chuyển đầy đủ số tiền nói trên cho UBND huyện Đô Lương theo số tài khoản của Ban quản lý công trình Đô Lương.

nghe an ubnd huyen do luong no tien nha thau 10 nam khien tuyen duong tranh lu do dang
Tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn mặc dù đã thi công vượt quá khối lượng nghiệm thu nhưng 10 năm nay, nhà thầu thi công vẫn không được bố trí giải ngân để tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại.

Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, mặc dù công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn đã thi công vượt quá khối lượng quyết toán theo quy định nhưng nhà thầu thi công vẫn không được chủ đầu tư “trả nợ” số tiền tạm ứng cả 02 lần nói trên. Bên cạnh đó, số tiền (gần 6 tỷ đồng) do chủ đầu tư còn nợ nhà thầu thanh quyết toán trong biên bản công nhận khối lượng thi công theo từng giai đoạn đến nay vẫn không được giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Duyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghiệp và xây dựng Miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC) cho biết: “Sau khi được trúng thầu thi công dự án đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn ở xã Hồng Sơn, chúng tôi đã gấp rút thi công và cơ bản hoàn thành nền đường, cấp phối, đổ bây lu lèn hoàn chỉnh... chỉ còn lại phần thảm nhựa và lắp đặt cọc tiêu biển báo, các hạng mục phụ trợ của tuyến đường nữa. Tuy nhiên, đến cuối 2013, nhà thầu buộc phải dừng thi công lại vì chủ đầu tư không bố trí được vốn, thậm chí chủ đầu tư chưa trả hết khối lượng giá trị mà nhà thầu đã thi công. Cụ thể, khối lượng theo Hợp đồng toàn bộ gói thầu là hơn 43,9 tỷ đồng; khối lượng nhà thầu thực hiện: hơn 31,67 tỷ đồng, nhưng khối lượng giải ngân chỉ 25,73 tỷ đồng (mới thanh toán được 81% giá trị theo nghiệm thu của 72% gói thầu)…

Mới đây, tại buổi làm việc với chính quyền huyện tháng 3/2021, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư phải sớm thanh toán khoản huyện vay để đề bù giải phóng mặt bằng và thanh toán hoàn chỉnh theo khối lượng nhà thầu thi công đã được nghiệm thu, cũng như tính toán lại dự toán lên kế hoạch phân bố vốn trả nợ và thi công các hạng mục còn lại”.

Những vấn đề mấu chốt xung quanh câu chuyện chủ đầu tư xin tạm ứng tiền rồi “bặt vô âm tín”, cũng như việc tắc trách của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An đối với nhà thầu trong công tác giải ngân nguồn kinh phí thi công vượt quá khối lượng là một câu hỏi chưa có lời đáp. Vì sao, sau 10 năm công trình có ý nghĩa phục vụ dân sinh nhằm tránh lũ cứu hộ, cứu nạn như tuyến đường đi vào xã Hồng Sơn đã được thi công và nghiệm thu vượt quá khối lượng mà chủ đầu tư là UBND huyện Đô Lương lại không thể bố trí giải ngân để tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại mà để công trình dở dang suốt nhiều năm qua?

Quang Hợp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load