(Xây dựng) - Những ngày gần đây, một số người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã chặn xe tải ra vào cảng biển nước sâu Nghi Thiết, do vẫn còn vướng mắc một số vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư và lo ngại về bảo vệ môi trường.
Do một số vấn đề về tái định cư, môi trường chưa được giải quyết, người dân ra chặn xe tải ra vào cảng biển Vissai. |
Sáng 25/6, trên tuyến đường D4 nối từ Quốc lộ 1A xuống cảng nước sâu Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) hàng loạt xe tải, xe đầu kéo xếp hàng dài vì không thể vào cảng đổ hàng do có nhiều người dân địa phương tập trung, dựng lều bạt, ngăn không cho xe tải ra vào khu vực con đường chính dẫn vào cảng.
Những chiếc xe tải chở xi măng từ huyện Đô Lương phải nằm dài trên đường do người dân ngăn cản. Lực lượng cảnh sát trật tự, giao thông Công an huyện Nghi Lộc được tăng cường tới để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông ở đoạn đường này.
Được biết vào ngày 23/6 vừa qua, đại diện chính quyền địa phương, các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Nghi Lộc, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam cùng lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Sông Lam Nghệ An - đơn vị vận hành cảng Vissai đã có buổi đối thoại với người dân về những vấn đề về tái định cư, môi trường xung quanh dự án.
Tại cuộc đối thoại này, người dân ở đây nêu lại lời hứa hỗ trợ xây nhà văn hóa của các cấp ngành cho xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh, nay nhập lại thành xóm Hải Thịnh từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cho nên, nhà văn hóa của xóm hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp và quá chật hẹp.
Xe tải xếp hàng dài không thể vào cảng. |
Cùng đó, nhiều hộ dân trong diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng biển quốc tế Vissai (Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam) đang phải chờ việc di dời, tái định cư. Vì thế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khi phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa xuống cấp, không thể sửa chữa và sống quá gần khu vực trạm nghiền. Nguyên nhân là khu tái định cư do huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư xây dựng chậm, cho đến nay, người dân vẫn chưa biết rõ thời điểm khi nào có thể di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, cách đây 5 năm, các cấp, ngành và doanh nghiệp có cam kết xây dựng một bến đậu, tránh trú an toàn cho hơn 150 tàu thuyền của ngư dân xóm Hải Thịnh, nhưng đến nay vẫn chưa được xúc tiến. Nhiều hộ dân ở xóm Hải Thịnh phản ánh lên chính quyền về sự lo sợ ô nhiễm môi trường, khi Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam đang xây dựng bến bãi chứa than ở vùng cảng tổng hợp. Sự việc đỉnh điểm, cách đây mấy ngày, một số người dân xóm Hải Thịnh tự ý đặt các vật liệu, phương tiện trên đường, chặn đường vận chuyển vật liệu, clinker từ Nhà máy Xi măng Đô Lương về trạm nghiền xi măng và cảng biển Nghi Thiết.
Ông Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Do nhiều nguyên nhân nên công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án trạm nghiền xi măng và cảng biển Nghi Thiết có chậm tiến độ so với dự kiến. Hiện nay, huyện đã xác định được vùng đất và đang xúc tiến việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư.
Về sự lo lắng vấn đề môi trường của bà con khi Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam triển khai bến than tại khu vực cảng biển, đơn vị này đang xây dựng và đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, đây là khu vực trung chuyển, chứ hoàn toàn không đốt than như mọi người nghĩ. Đến chiều 25/6, người dân đã giải tán và các phương tiện đã vào được cảng”.
Cầu cảng Vissai số 1 dài 2.000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017, đóng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Hiện, cầu cảng đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam đến các vùng miền trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2, cụm cảng này đang xây dựng thêm 2 bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng. Thuận lợi của vùng biển nơi đây là có độ sâu tự nhiên 9m, sau khi nạo vét luồng lạch có thể phục vụ cho tàu trên 100.000 tấn cập cảng.
Quang Hợp
Theo