Thứ tư 24/04/2024 23:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngày truyền thống ngành Xi măng: Chinh phục đỉnh cao mới

09:12 | 30/12/2021

(Xây dựng) - Năm cũ khép lại, ngành Xi măng kết thúc kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, chuẩn bị bước sang năm mới 2022 với nội lực mạnh mẽ, quyết tâm chinh phục đỉnh cao mới. Đây cũng là thời khắc ngành Xi măng nói chung và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) nói riêng hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống ngành Xi măng 08/01.

ngay truyen thong nganh xi mang chinh phuc dinh cao moi
Nhà máy xi măng Hải Phòng ngày nay.

Từ ngọn lửa đấu tranh bất khuất

Cách đây 122 năm, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay, Nhà máy Xi măng Hải Phòng khởi công xây dựng (năm 1899). Ban đầu, Nhà máy chỉ có 100 công nhân; sau số thợ tăng dần đến vài nghìn. Trừ công nhân ở mỏ đá Tràng Kênh (là lao động giản đơn, thợ đá, thợ nung vôi), công nhân xi măng đòi hỏi có trình độ kỹ thuật, lao động cực nhọc, vất vả trong môi nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, làm việc theo 2 ca, mỗi ca 12 giờ với chế độ cai ký quản chế kiểu chủ nô phong kiến. Rất may mắn, nằm giữa thành phố cảng Hải Phòng - trung tâm công nghiệp, thương mại của cả nước - nên ý thức cộng đồng giai cấp của công nhân xi măng hình thành sớm. Không chịu được sự cai quản, bóc lột dã man của thực dân, công nhân xi măng liên tục bãi công nhưng quy mô nhỏ, thiếu tổ chức.

Ngày 08/01/1930, Chi bộ Xi măng Hải Phòng lãnh đạo cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2 nghìn công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc bãi công giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Đây cũng là mốc son đánh dấu sự giác ngộ về chính trị của công nhân xi măng, mở ra con đường đấu tranh của đội ngũ công nhân xi măng Hải Phòng nói riêng, của công nhân cả nước nói chung. Ngày 08/01 trở thành ngày truyền thống của ngành Xi măng Việt Nam.

Đến khát khao cống hiến trí và lực

Đã 92 năm trôi qua, ngọn lửa được hun đúc từ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, bất khuất, kiên trung của những người thợ xi măng được truyền qua nhiều thế hệ, đến nay, vẫn rực cháy với khát khao cống hiến trí tuệ và sức lực; đoàn kết, vươn lên, vì sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam, để sản xuất thật nhiều xi măng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ hằng mong mỏi.

VICEM đang hướng tới xây dựng một nền sản xuất xanh với phát thải CO2 thấp, giảm tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản không tái tạo. Với khát khao đưa ngành Xi măng trở thành ngành xử lý tốt các vấn đề môi trường cho đất nước bằng những dự án thực tế, VICEM và các đơn vị thành viên đang tích cực triển khai đề tài: "Nghiên cứu sử dụng bùn và rác thải công nghiệp không nguy hại làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker"; hoàn thiện Đề án “Đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng”; Chương trình dùng bùn thải thay sét trong sản xuất clinker; Đẩy mạnh sử dụng nhiệt khí thải để phát điện, tự cung, tự cấp một phần sản lượng điện tiêu thụ, đồng thời, giảm lượng phát thải bụi và khí CO2; Đẩy mạnh việc sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng năng suất và đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường.

VICEM đang nghiên cứu để sản xuất clinker low carbon nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, đồng thời, giảm tiêu hao nhiệt năng, điện năng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, vừa qua, VICEM và Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) vừa ký kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Tập trung giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, hướng tới sản xuất xi măng xanh và bền vững, trong đó có sản phẩm xi măng với tiêu chí sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, phát thải thấp.

Cuộc cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới. Ngành Xi măng nói chung và VICEM nói riêng cũng không ngoại lệ. Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ công nghệ số giúp VICEM tạo thêm lực đẩy, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn chung.

VICEM thực hiện số hóa dây chuyền sản xuất, trong đó tập trung phục hồi, nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị, quản lý và vận hành tự động dây chuyền, tiến tới hình thành các nhà máy xi măng thông minh trong tương lai. Trong khai thác, bốc xúc, vận chuyển nguyên liệu, ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện kết hợp phần mềm quản lý khai thác theo khối chất lượng; sử dụng công nghệ GPS, ảnh vệ tinh, phần mềm tối ưu hóa vận tải để quản lý phương tiện vận chuyển. Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu thô được thực hiện trực tuyến trên băng (PGNAA) kết hợp phần mềm tối ưu hóa phối liệu tự động. Trong công đoạn nghiền, lò nung, nghiền xi măng, sử dụng thiết bị điện thông minh, áp dụng phần mềm chuyên gia để vận hành tự động, tối ưu hóa dây chuyền. Công đoạn đóng bao và xuất sản phẩm, đã nâng cấp hệ thống đóng bao và xuất bao tự động.

Song song hoạt động thí nghiệm và kiểm soát chất lượng được tối ưu hóa và trang bị thiết bị lấy mẫu, vận chuyển mẫu tự động, thiết bị phân tích X-ray kết nối với phần mềm điều khiển phối liệu tự động, sử dụng robot, các thiết bị thí nghiệm được kết nối trực tiếp với máy tính dưới sự kiểm soát của các thuật toán thông minh, phân tích dữ liệu lớn. VICEM sẽ xây dựng trung tâm thông tin tập trung (data center) để lưu trữ và sử dụng các thuật toán xử lý dữ liệu lớn, kết nối trực tiếp với hệ thống điều hành sản xuất tại từng đơn vị để phân tích, đưa ra quyết định tối ưu... Chương trình số hóa sản xuất sẽ được triển khai đồng bộ, liên tục, theo lộ trình từng bước để phù hợp với điều kiện thực tế từng công ty sản xuất xi măng của VICEM.

Thành công tạo đà bứt phá

Ước sản lượng sản xuất clinker năm 2021 đạt 21,547 triệu tấn, bằng 98,3% kế hoạch năm 2021 và bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, ước sản lượng sản xuất xi măng xấp xỉ 23,9 triệu tấn, đạt 90,6% kế hoạch năm 2021 và bằng 97,8% so với thực hiện năm 2020. Tổng sản phẩm tiêu thụ (xi măng, clinker) ước đạt 29,245 triệu tấn, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021, bằng 99,7% so với thực hiện năm 2020.Tổng doanh thu ước đạt 33.638 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021, đồng thời đi ngang so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 2.011 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với thực hiện trong năm 2020.

Theo ông Phạm Văn Nhận - Phụ trách Hội đồng Thành viên VICEM, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nên nhu cầu xi măng giảm, chi phí logistics tăng. Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do “cung” vượt “cầu”. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với đầu năm 2021 trong khi xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tình trạng phong tỏa, kiểm dịch tại nhiều cảng biển Philippines, Trung Quốc; cước tàu biển ở mức cao.

ngay truyen thong nganh xi mang chinh phuc dinh cao moi
VICEM đẩy mạnh số hóa trong sản xuất, tiêu thụ.

VICEM đã và đang tập trung triển khai thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức, sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên theo Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2017 - 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Đối với công tác cổ phần hoá, hiện nay, vấn đề vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Do thủ tục về đất đai phụ thuộc vào quy trình và thời gian xử lý hồ sơ của các địa phương, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền nên VICEM không chủ động được về thời gian hoàn thành.

VICEM kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tăng cường sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, rác thải, bùn thải trong sản xuất xi măng. Hỗ trợ các Công ty thành viên sản xuất xi măng của VICEM trong việc xin cấp giấy phép khai thác các mỏ nguyên liệu (đá vôi, đá sét).

Trong bối cảnh chung khó khăn, thách thức bị ảnh hưởng bởi dịch, VICEM ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, khẳng định năng lực; tiếp tục chiếm lĩnh thị phần và là DN trụ cột, dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam.

Thành công năm 2021 tạo đà để VICEM bứt phá trong năm 2022. Dự kiến, năm 2022, VICEM sản xuất clinker 21,987 triệu tấn, tăng 2 % so với ước thực hiện năm 2021; tổng sản phẩm tiêu thụ (xi măng, clinker) khoảng 30,055 triệu tấn; tổng doanh thu 37.189 tỷ đồng, tăng 10,6% so với ước thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế, chưa tính chênh lệch tỷ giá, khoảng 2.030 tỷ đồng, tăng 0,9% so với ước thực hiện năm 2021.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load