Thứ sáu 19/04/2024 22:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngày sinh trong giấy khai sinh khác chứng minh nhân dân, phải làm sao?

14:04 | 12/12/2019

Bạn đọc có email nguyenxuanxxx@x gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi bị mất giấy khai sinh bản chính và chỉ còn bản sao được cấp năm 1995 ghi sinh ngày 6.1.1989. Tất cả các giấy tờ của tôi từ học bạ, bằng tốt nghiệp, bằng cao đẳng, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, đăng ký kết hôn cũng ghi ngày sinh của tôi 6.1.1989. Khi tôi đến UBND xã để làm lại hồ sơ thì sổ hộ tịch lưu ở xã lại ghi là sinh ngày 6.1.1990 và UBND xã nói rằng chỉ cấp bản trích lục giấy khai sinh cho tôi sinh năm 1990. Tôi phải làm sao?

ngay sinh trong giay khai sinh khac chung minh nhan dan phai lam sao

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh của người đó thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.

Theo quy định trên thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, thể hiện những thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân và là cơ sở để xác định các thông tin của một cá nhân trên các loại hồ sơ giấy tờ liên quan đến nhân thân của cá nhân đó. Mọi hồ sơ, giấy tờ cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con như: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp, sổ bảo hiểm, giấy phép lái xe… đều phải thống nhất với nội dung trong giấy khai sinh.

Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:

1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1, Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, chỉ trừ trường hợp có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch, thì bạn mới đủ điều kiện thay đổi, cải chính thông tin trên giấy khai sinh đúng với các giấy tờ khác. Còn không các giấy tờ khác phải điều chỉnh theo giấy khai sinh.

Theo NAM DƯƠNG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load