Thứ sáu 17/01/2025 05:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xâm lấn đình chùa Hà Nội:

Ngày càng phức tạp

11:26 | 29/08/2012

Đình, chùa là nơi tôn nghiêm gắn với các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Tuy nhiên, việc xâm lấn của người dân ảnh hưởng đến cảnh quan ở nhiều đình, chùa Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

Đình chùa thành nơi gửi, đỗ xe

Đình Kim Liên (quận Đống Đa), nơi gìn giữ tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” soạn năm 1510, đang trở thành nơi đậu xe, nghỉ chân của nhiều hãng taxi tại Hà Nội. Thời điểm đông đúc nhất là các buổi trưa và hiện tượng này cũng đã diễn ra nhiều năm nay. Bên cạnh đình là chùa Kim Liên – nơi đang bị bốn hộ dân lấn chiếm đất trong chùa khiến chùa Kim Liên ngày càng bị thu hẹp. Trụ trì chùa cho hay: những hộ dân này đã sống lâu năm và ở “nhờ” trên đất chùa, vậy mà mỗi khi chùa được tôn tạo đều bị 4 hộ dân này gây khó khăn, cản trở!

Nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, chùa Vân Hồ đã được Nhà nước xếp hạng năm 1992 là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trụ trì chùa Vân Hồ, thầy Thích Đàm Nhung cho biết: “Hiện diện tích mặt trước chùa còn rất ít để gửi xe vào chùa. Xung quanh chùa hiện đã trở thành bãi gửi xe của các hộ kinh doanh tư nhân tận dụng tối đa. Vài năm sau khi dẹp bỏ được bãi gửi xe trên phố Bà Triệu, giờ tụ điểm lại chuyển về phố Lê Đại Hành”.

Bà Hoàng Thanh Thủy (Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành) nói: “Vừa qua phường cũng đã không cấp phép trông giữ xe ở cạnh chùa. Phường chỉ là một bộ phận để phối hợp kiểm soát. Theo đúng qui định thì ở những di tích là không được cấp phép nhưng để giảm tải và đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân thì vẫn phải cấp phép một phần nào đó. Nếu chúng ta không cấp phép trông giữ xe thì có thể dẫn đến nguy cơ trông giữ xe tự phát rất khó kiểm soát”.

  

Hàng quán và căn nhà “án binh bất động”

Sự “bành trướng” của các hộ dân đến sự linh thiêng, tôn nghiêm của đình, chùa không dừng lại ở con số một hay hai. Thực tế thì nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội mang tên những con đường như chùa Hà, chùa Láng, chùa Bộc cũng bị những hộ kinh doanh công khai hoạt động. Đặc biệt, vào những buổi tối, hàng ăn, quán nước vỉa hè được dựng lên ngay cổng chùa Láng. Cổng chùa lâu nay vẫn được các cửa hàng này tận dụng trỏ thành nơi đậu xe. Nếu khách muốn ngồi trong chùa, chủ quán cũng sẵn sàng phục vụ chu đáo.

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân mà vẫn “ bó tay” trước tình trạng xâm lấn này. Chùa Bích Câu – một ngôi chùa nằm giữa trung tâm thủ đô hiện đang được tôn tạo và xây dựng. Chính quyền đã thực hiện di dời và giải tỏa những hộ dân sống “tại chùa”. Song đến cuối năm 2010 các hộ dân mới bàn giao đất lại cho chùa để xây dựng. Đến nay, việc tôn tạo chùa vẫn đang dở dang vì còn bị cản trở bởi một căn nhà xây lấn đất chùa và luôn “án binh bất động” bấy lâu nay. Căn nhà nằm ở mặt sau chùa với biển ghi Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Thầy Thích Đàm Phùng, Trụ trì chùa Bích Câu nói “Trước tới giờ nhà chùa chưa có khu nhà bếp và việc nấu nướng thường ở ngoài sân. Việc tôn tạo chùa đến giờ mới xây dựng được khu nhà bếp để tiện cho việc ăn, uống”. Trong hàng loạt ngôi chùa hiện đang bị xâm phạm hiện nay tại Hà Nội, việc có thể tôn tạo lại chùa là điều khởi sắc nhất của chùa Bích Câu. 

Ông Bùi Văn Toàn ( Phụ trách tôn giáo- Công an thành phố Hà Nội ) cho biết: “Do lịch sử để lại mà hiện ở nhiều đình chùa vẫn còn các hộ dân sinh sống. Nhà nước trong những năm qua mặc dù đã giải toả rất nhiều hộ dân ở các chùa như Quán Sứ, Yên Thái, Liên Phái…song hiện vẫn còn nhiều đình chùa ở Hà Nội tồn tại những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Nhưng với mục đích chính là nhà nước và nhân dân cùng chung tay thống nhất để giải quyết triệt để, thỏa đáng, trả lại sự tôn nghiêm cho những đình, chùa tại Hà Nội"

Duy Phạm

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load