15 năm mới có được một thương hiệu xi măng Hoàng Mai đứng đầu đất nước, mỗi năm sản xuất 1,4 triệu tấn góp phần cho sự thịnh vượng dưới mái nhà chung Vicem. Nhưng để có được cái vóc dáng xi măng Hoàng Mai, với thương hiệu con chim “Lạc Việt” - thương hiệu Vicem Hoàng Mai được người tiêu dùng mến mộ hôm nay, người làm xi măng nơi xứ Nghệ phải trải qua một chặng đường với bao cam go, thách thức, mới có được một DN làm xi măng đang khẳng định sự bền vững của mình trong từng bước đi.
Một doanh nghiệp khẳng định được vị thế, xây dựng được thương hiệu, làm ra sản phẩm đi được vào lòng người dùng nào đâu có dễ. Cũng phải quăng lên, quật xuống, vật vã đủ đường mới nhận được về cái “gật đầu” của người tiêu dùng chứ đâu phải dễ dàng. Xi măng Hoàng Mai cũng không ngoài quy luật chung này. Giám đốc Nguyễn Hữu Quang chẳng thể quên được ngày bao xi măng Hoàng Mai xuất xưởng, tung ra thị trường. Những thông tin về xi măng Hoàng Mai là xi măng địa phương, xi măng của tỉnh, khiến nhiều khách hàng, nhiều chủ dự án còn chối đây đẩy chưa tin vào chất lượng của xi măng nhãn hiệu con chim “Lạc Việt”. Làm doanh nghiệp còn có gì buồn hơn khi sản phẩm làm ra mà thị trường không mặn mà.
Cuộc họp nào Lãnh đạo xi măng Hoàng Mai của cũng nóng bỏng vấn đề thương hiệu sản phẩm. Không có gì bằng thực tế, rồi thời gian sẽ khẳng định. Mỏ đá vôi với trữ lượng 125 triệu tấn được khai thác bằng phương pháp khoan nổ, cắt tầng theo lớp bằng. Máy đập đá vôi rất hiện đại của hãng KRUPPHAZEMAGSA, công suất 720 tấn/giờ. Đá vôi sau khi qua máy đập được vận chuyển bằng hệ thống băng tải dài 2,6 km. Từ thiết bị khoan nổ đến bốc xúc, vận chuyển đều là thiết bị của hãng ATLASCOPCO, CATERTYLLAR, VOLVO…tiên tiến nhất. Thì đây một hệ thống dây chuyền làm xi măng của hãng FCB Cộng hòa Pháp nổi tiếng. Từ hệ thống lò nung, tháp trao đổi nhiệt cho đến hệ thống làm nguội clinker. Lò nung với kích thước 4,5x70m, công suất 4.000 tấn clinker/ngày. Hệ thống Cyclon trao đổi nhiệt hai nhánh, 5 tầng làm giảm tiêu hoa áp suất có khả năng thu hồi nhiệt nhanh từ lượng khí thải. Buồng đốt hiện đại kiểu LOWNOX - FCB 98 đốt cháy nhiên liệu hoàn toàn cho quá trình trao đổi nhiệt tối ưu, đạt hệ số canxi hóa tốt nhất.Vòi đốt với hệ thống đa kênh, dễ bắt cháy và cháy tốt của hãng PULLARD cung cấp! Hệ thống làm nguội của Cộng hòa Liên bang Đức 4.000 tấn clinker/ngày, hiệu suất thu hồi nhiệt độ cao. Clinker sau khi làm nguội đạt dưới 85oC. máy nghiền xi măng gồm máy nghiền sơ bộ CKP 200 và máy nghiền 1000P 240 tấn/giờ với tổ hợp nghiền vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đạt độ mịn mong muốn. Hệ thống đóng bao tự động kiểu quay 4 máy, (mỗi máy 8 vòi), có công suất 120 tấn/giờ/1 máy với thiết bị cân điện tử chính xác cho mỗi bao xi măng xuất xưởng.
15 năm thời gian chưa dài so với bề dài hơn 100 năm của công nghiệp xi măng Việt Nam. Nhưng thời gian ấy cũng đủ nhuốm màu từ mái tóc xanh sang tóc bạc của cả một đạo quân trẻ trung gắn bó với nghiệp xi măng từ khi xây dựng lắp đặt nhà máy cho đến hôm nay. Người xứ Nghệ trí tuệ biết chọn nơi đá vôi, đất sét trên đất Quỳnh Lưu để làm xi măng. Người xứ Nghệ thừa thông minh biết chọn công nghệ, thiết bị làm xi măng của Cộng hòa Pháp rất hiện đại. Tri thức ấy, sự mẫn tuệ ấy đã tạo cho xi măng Hoàng Mai giờ không chỉ là sản phẩm nằm lòng của người dùng Nghệ An mà lan tỏa ra khắp các tỉnh miền Trung qua hệ thống các nhà phân phối chính. |
Vùng nguyên liệu đá sét tuyệt vời đưa về nhà máy không xa. Một dây chuyền thiết bị làm xi măng hiện đại với đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật có nghề thì sản phẩm xi măng không thể không có thương hiệu được. Thực tế và thời gian đã khẳng định chất lượng của xi măng Hoàng Mai là tuyệt vời. Từ xi măng Pô Lăng hỗn hợp PCB 40, PCB 50 cho đến các loại xi măng đặc biệt làm theo đơn đặt hàng đều đáp ứng chất lượng. Ấy thế mà cũng phải một thời gian chật vật, có thời kỳ phải Li-xăng với xi măng Hoàng Thạch để mở lối ra. Còn bây giờ thì xi măng Hoàng Mai đã có chỗ đứng vững vàng, tiêu thụ từ Nghệ An vào các tỉnh miền Trung. Xi măng Hoàng Mai có mặt trên nhiều công trình trọng điểm của đất nước. Trong thương hiệu Vicem của xi măng Việt Nam, nhãn xi măng con chim “Lạc Việt” tung cánh kiêu hãnh, song hành với các nhãn “Con voi” của Bỉm Sơn, “Con sư tử” của Hoàng Thạch, “Con rồng” của Hải phòng, “Con kỳ lân” của Hà Tiên…
Xi măng “Lạc Việt” giờ đã tung cánh trên thị trường xi măng đủ nhãn hiệu, đủ các ngành, các địa phương đang lao vào làm xi măng như đi hội. Tranh chấp thị trường tiêu thụ, tranh chấp cả núi đá, mỏ sét, kể cả “hạ nhau” bằng các kiểu các “chiêu”. Nhưng rất mừng là xi măng cùng chung “mái nhà” Vicem đều khẳng định thế mạnh vượt trội về chất lượng và cách làm doanh nghiệp bài bản. Chủ trương đổi mới quản trị doanh nghiệp để tạo sức mạnh trong cạnh tranh, đi lên bền vững làm cho thương hiệu ngày càng tỏa sáng hơn từ “Tổng”, Vicem được xi măng Hoàng Mai thực hiện chuẩn mực. Sắp xếp lại đội ngũ, không ngại động chạm. Siết chặt đưa về một mối việc mua sắm thiết bị vật tư, giảm chi phí ở mọi khâu, mọi bộ phận để đầu tư trở lại cho người làm xi măng, để giảm áp lực giá than, điện, dầu tăng vùn vụt mỗi ngày. Rõ ràng cần một sự chuyển động của doanh nghiệp. Năng lực, tài hoa của người đứng đầu là ở đây! Trách nhiệm với đất nước, cộng đồng của doanh nghiệp là ở đây! Vẫn là sự minh bạch trong thể chế, bài bản trong điều hành. Rồi có được một dây chuyền làm xi măng hiện đại như Hoàng Mai là bỏ ra một số vốn khổng lồ vài nghìn tỷ đồng chứ đâu có ít. Phải cả chục năm mới mong trả hết vốn vay đầu tư. Rồi Tổng Vicem cũng phải mạnh tay cấu trúc lại tài chính cho doanh nghiệp mới có được sức mạnh chứ đâu phải dễ dàng? Thế nên, các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra cũng nên “thấu” cho doanh nghiệp, chứ nhiều khi làm ăn chuẩn mực, đàng hoàng mà vẫn bị tiếng oan!
Đổi mới quản trị DN là mục tiêu của Vicem đang hướng tới. Từ chủ tịch HĐQT Lê Văn Chung đến Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Anh đều rất quyết liệt trong quyết định luân chuyển và chọn người đứng đầu cho các doanh nghiệp thành viên. Không gì khác là làm cho Vicem ngày càng bền vững, các doanh nghiệp trong tổng cùng một bước quyết tâm sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc!. Hơn mười năm gắn bó với xi măng Hoàng Mai nên việc điều động Giám đốc Nguyễn Hữu Quang ra Hà Nội đảm trách Phó tổng giám đốc Vicem cũng là thấu tình. Việc quyết định Phó Giám đốc xi măng Bút Sơn Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc xi măng Hoàng Mai cũng là cách thử thách và nâng bước trong chiến lược chọn lựa người đứng đầu các DN thành viên của Vicem! |
Đỗ Quang Đán
Theo baoxaydung.com.vn