Thứ sáu 20/09/2024 14:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

'Ngất ngưởng' tiến sĩ, giấc mơ đại học vẫn chưa đủ?

08:41 | 27/08/2015

Một điều dễ nhận thấy trong tâm lý của người Việt Nam hiện nay là: So với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn ở vị thế rất thấp.


Với 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ, con số ngất ngưởng so với nhiều nước trên thế giới, chẳng lẽ giấc mơ ĐH của người Việt Nam vẫn còn chưa đủ? Ảnh minh họa

 

Những ngày gần đây, khi cả xã hội “sục sôi” với cuộc đua rút - nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH đầy kịch tính, một tin vui hiếm hoi xuất hiện trên mặt báo: Nguyễn Duy Thanh, sinh viên ĐH Công nghiệp TP HCM đã mang về huy chương Đồng cho Việt Nam trong kỳ thi tay nghề thế giới.

Vào trường nghề là... bất đắc dĩ

Đây không phải là một tin vui thông thường mà là một tin vui đặc biệt. Lâu nay, chúng ta đã giành được không ít giải thưởng trong nhiều lĩnh vực liên quan tới văn hóa, thể thao nhưng chưa từng đạt thành tích cao đến vậy trong một cuộc thi tay nghề uy tín, tầm cỡ quốc tế.

Không thể phủ nhận thành tích này là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng và tài năng của bản thân Nguyễn Duy Thanh. Tuy vậy, đằng sau niềm vui lớn đó, chính Nguyễn Duy Thanh cũng tâm sự rằng để đạt được thành tích trên, em đã được Tổng cục Dạy nghề đưa sang Hàn Quốc.. đào tạo trong 13 tháng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tại tập đoàn Samsung để chuẩn bị cho cuộc thi.

Sự sốt sắng của cấp quản lý cao nhất về giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam một mặt thể hiện sự sát sao với cuộc thi nhưng một mặt cho thấy dường như đây vẫn là mô-típ “luyện gà” đi thi quen thuộc. Cho nên dù thành tích trên rất đáng mừng song chúng ta vẫn cần thẳng thắn thừa nhận, rằng để có những chuyển biến trong hoạt động dạy nghề thay vì chỉ dừng lại ở việc luyện thi kiểu “gà chọi” vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo quy định hiện hành, giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; còn giáo dục nghề nghiệp bao gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Một điều dễ nhận thấy trong tâm lý của người Việt Nam hiện nay là: So với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn ở vị thế rất thấp. Chỉ khi không thể vào được một trường ĐH (nhiều khi là bất kỳ) thì việc vào các trường dạy nghề mới trở thành lựa chọn… bất đắc dĩ.

Chính vì thế ngay trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khi một vài thí sinh dù đạt điểm khá cao nhưng lại quyết định đi học nghề thay vì vào ĐH, bỗng chốc các em trở thành một hiện tượng gây xôn xao. Dù đa số dư luận đều ủng hộ lựa chọn này, nhưng bản thân việc xem đây là một sự “đột phá” đã phản ánh rất rõ sự thật: Xã hội vẫn chưa quen với việc xem đây đơn thuần là một lựa chọn bình thường.

Tâm lý này phản chiếu cách nghĩ, coi ĐH như cánh cửa duy nhất mà bỏ quên mất cánh cửa giáo dục nghề nghiệp. Việc đổ xô vào ĐH sẽ dẫn tới sự phát triển lệch lạc “thừa thầy thiếu thợ”, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, Việt Nam đang rất cần nguồn nhân lực có tay nghề nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến.

Trong một bài viết trước, người viết lập luận rằng để hạn chế thất nghiệp, các cử nhân nên chủ động chuyển sang công việc khác. Một bạn đọc đã góp ý rằng để một kỹ sư chuyển sang làm một người thợ lành nghề không đơn giản như làm một phép toán trừ, chưa kể việc đào tạo tràn lan rồi điều chuyển như thế sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội.

Điều này khiến người viết nhận thức rõ hơn: Việc các cử nhân “thích nghi” để tránh thất nghiệp là cần thiết, song nếu có thể thay đổi tận gốc, thay vì khuyên các cử nhân cất bằng ĐH đi làm bất cứ nghề gì để khởi nghiệp thì lẽ ra xã hội đã có những người thợ lành nghề được đào tạo bài bản và tốn ít chi phí hơn.  

Cử nhân xin việc gây bão

Giữa lúc đó, có một câu chuyện- một cử nhân đồng thời là một ông bố trẻ đã “gây bão” dư luận khi đứng giữa ngã tư, đeo tấm bảng xin được nhận làm bất cứ công việc gì. Hãy chú ý đến con đường học vấn của nhân vật: Liên thông từ cao đẳng lên đại học (chuyển từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học) và vẫn không thể tìm được việc làm. Giả sử như trước đây bạn ấy chọn học một nghề cụ thể nào đó, biết đâu số phận đã khác đi nhiều?

Người viết cũng không khỏi băn khoăn khi nhìn lại kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, trong cơn say mê rút- nộp, có bao nhiêu em không hề quan tâm xem ngành học có phù hợp với mình không mà chỉ chọn bừa một trường ĐH nào đó, miễn đỗ là được? Với 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ, con số ngất ngưởng so với nhiều nước trên thế giới, chẳng lẽ giấc mơ ĐH của người Việt Nam vẫn còn chưa đủ?

Vậy thì, mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở nhận thức của xã hội. Ngay từ bậc THPT, phụ huynh và nhà trường cần giúp con em mình hiểu rằng học nghề là một lựa chọn bình thường chứ không phải là hề thấp kém so với học đại học.

Tất nhiên cũng cần cả những giải pháp đồng bộ, chẳng hạn hệ thống trường cao đẳng vốn thuộc hệ thống giáo dục đại học nay chuyển sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cần có sự thay đổi căn bản.

Tiếp xúc với một số học viên của các trường cao đẳng, nhiều em cho biết hiện nay cao đẳng đang chênh chao giữa trung cấp (thực hành) và đại học (lý thuyết) nên rất khó để tấm bằng của các em được chấp nhận.

Bản thân ranh giới giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa rõ, nhiều chuyên ngành ở bậc đại học thực chất có thể chuyển xuống bậc cao đẳng vì nó thuần túy là kỹ năng nghề. Chính sự lẫn lộn này mà tình trạng đổ xô vào đại học càng trầm trọng hơn; chưa kể “cao đẳng hóa” các trường đại học sẽ cản trở sự phát triển của các trường đại học với vai trò các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo. Cần một sự bóc tách rõ hơn để góp phần điều hướng thí sinh sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, một giải thưởng nghề ở cấp độ quốc tế trong bối cảnh hiện nay dù chưa đủ nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở với chúng ta rằng những nghề nghiệp cụ thể vẫn rất cần thiết. Đây nên là một cơ hội để giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn.

Khương Duy/Vietnamnet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load