(Xây dựng) - TP Cần Thơ đang xây dựng để hình thành diện mạo mới, với đặc trưng là đô thị sinh thái sông nước. Trong đó, công tác quy hoạch và phát triển đô thị góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển TP Cần Thơ, nhất là từ khi thành phố được công nhận đô thị loại I trực thuộc Trung ương năm 2009.
Ông Mai Như Toàn |
Với xuất phát điểm thấp, TP Cần Thơ nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành Xây dựng đã tham gia đóng góp về mặt quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, cải thiện bộ mặt thành phố, góp phần nâng chất lượng sống (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội), cải thiện sinh kế, tìm bản sắc của thành phố và phát huy phục vụ nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013. Đến nay, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thiện: tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; đã lập và phê duyệt 7 đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, cao độ nền, chiếu sáng, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, cây xanh); tỷ lệ các quận có quy hoạch phân khu đô thị được duyệt đạt trên 80%, quy hoạch chung xây dựng xã phường đạt 100%, là cơ sở phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình đảm bảo đồng bộ, hài hòa cho bộ mặt đô thị của thành phố nói chung và từng quận, huyện nói riêng.
Để đảm bảo việc phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, ngành Xây dựng tham mưu cho UBND TP Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nhà ở, làm cơ sở định hướng đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng chất lượng dịch vụ, đô thị cho người dân.
Từ định hướng quy hoạch xây dựng được duyệt, ngành Xây dựng đã chung tay cùng các đơn vị và địa phương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác được nhiều dự án, công trình. Bổ sung không gian công cộng, một số trở thành điểm nhấn mới của đô thị (cầu đi bộ bến Ninh Kiều, Đền tưởng niệm vua Hùng, và hệ thống công viên sông Cần Thơ, sông Hậu…); và trong tương lai gần hình thành Khu hành chính tập trung tại Trung tâm văn hoá Tây Đô, đây là nơi bổ sung nhiều công trình phục vụ người dân và là điểm nhấn trong hệ thống thiết chế văn hoá và hành chính của TP Cần Thơ, từng bước xác lập những nét mới trong bản sắc kiến trúc thành phố.
Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc”.
Nghị quyết cũng xác định về quy hoạch đô thị, TP Cần Thơ đặt nhiệm vụ trọng tâm vào giải quyết ba vấn đề chính: Tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế hóa trong công cụ quy hoạch xây dựng (công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; quy chế quản lý kiến trúc…); Thông qua nâng chất lượng quản trị đô thị để tạo đà cho phát triển đô thị (thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội, huy động được cả về vốn tri thức, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính); Góp phần xác lập bản sắc văn hoá sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở lĩnh vực không gian đô thị, trong quá trình phát triển thành phố.
Với nhiệm vụ đầu, ngành Xây dựng xác định cần làm tập trung những công việc: Tham gia, phối hợp chặt chẽ trong công tác lập quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch (Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - do Sở KH&ĐT là cơ quan chủ trì công tác lập); Lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013) để đảm bảo tính phù hợp giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch cấp trên; Lập Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ, để hoàn thiện bộ công cụ quản lý trật tự xây dựng đô thị; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cục bộ về đô thị trong quá trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới.
Với nhiệm vụ thứ hai, ngành Xây dựng đặt mục tiêu tập trung thực hiện: Xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và đề xuất kế hoạch thực hiện, làm cơ sở đầu tư, thu hút đầu tư; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về quản trị đô thị, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như quản trị đô thị thông minh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng…
Trong đó, công tác lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013) và lập Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ bên cạnh là công cụ quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng còn hướng đến mục tiêu từng bước xác lập và phát huy bản sắc đặc trưng sinh thái sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong kiến trúc đô thị. Có thể nói, nhiệm vụ này là công tác chuyên môn trọng tâm của ngành Xây dựng đóng góp cho TP Cần Thơ.
Mai Như Toàn
Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ
Theo