Thứ năm 25/04/2024 19:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Xây dựng Phú Yên chủ động kế hoạch phòng chống thiên tai mùa mưa bão

21:33 | 28/09/2021

(Xây dựng) - Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kịp thời, hiệu quả đối với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

nganh xay dung phu yen chu dong ke hoach phong chong thien tai mua mua bao
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN).

Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-SXD ngày 23/9/2021 triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm đối với 03 giai đoạn trước, trong và sau mùa mưa bão.

Trước mùa mưa bão, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn Sở Xây dựng Phú Yên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện một số nội dung để đảm bảo an toàn cho công trình.

Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Tuy Hòa thực hiện việc di dời, cưỡng chế các hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị được giao quản lý, khai thác thực hiện xây dựng phương án, có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, hạng mục công trình trong mùa mưa bão như: Chặt phát quang cây xanh đô thị, khơi thông nạo vét hệ thống thoát nước đô thị tránh bị ngập úng khi có mưa lớn, cấp nước sinh hoạt an toàn ...

Tăng cường tuyên truyền Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các chủ đầu tư xây dựng công trình. Thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của Sở và của ngành đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, khi thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, cấp phép quy hoạch xây dựng các công trình, dự án theo phân cấp chú ý đến công tác an toàn công trình, hạn chế tối đa ảnh hưởng do tác động thiên tai.

Giai đoạn trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng đưa ra các phương án ứng phó thiên tai. Phối hợp, yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã triển khai hướng dẫn cho công dân, các chủ đầu tư công trình thực hiện ngay các biện pháp chằng chống nhà cửa theo các văn bản hướng dẫn, sơ tán dân khỏi nơi xung yếu, trũng thấp, công trình nhà ở xuống cấp bị hư hỏng khi có bão xảy ra, đồng thời đảm bảo theo nguyên tắc “5K”, giãn cách theo quy định của ngành Y tế.

Chuẩn bị đầy đủ dây thép buộc, cọc chống, nilon, đèn pin... để chằng chống, che đậy nhà cửa, kho tàng; trước, trong và sau khi có lũ bão xảy ra, tổ chức lực lượng kiểm tra ở những nơi xung yếu, bảo đảm an toàn (đặc biệt chú ý nhất là tại các kho lưu trữ tài liệu của Sở). Tổ chức lực lượng, phương tiện tại chỗ để sẵn sàng huy động tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

Sau mùa mưa bão, tổ chức khắc phục hậu quả; kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành có liên quan hướng dẫn cho UBND cấp huyện, cấp xã và các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị bị hư hỏng do thiên tai.

Mặt khác, huy động hỗ trợ kịp thời về nhân lực, trang thiết bị hiện có tại Cơ quan cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai khi có chỉ đạo cấp trên. Tiến hành thống kê, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh mức độ thiệt hại và đề xuất giải pháp hỗ trợ khắc phục hiệu quả đối với các công trình xây dựng bị hư hỏng.

Đối với trụ sở Cơ quan sau khi thiên tai kết thúc phải nhanh chóng khôi phục, sửa chữa lại để đảm bảo cho hoạt động bình thường, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, kịp thời thống kê các thiệt hại về người và tài sản. Tổ chức rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng gương người tốt, đơn vị tốt, đồng thời nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm các cá nhân, đơn vị vi phạm.

Ngành Xây dựng quán triệt quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của công tác phòng, chống thiên tai với: Chủ động “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư - phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” trong đó lấy phòng tránh là chính. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load