Thứ năm 28/03/2024 23:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Xây dựng phía Nam ứng phó với dịch Covid-19

20:26 | 07/04/2020

(Xây dựng) – Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như bám sát các khuyến cáo của Bộ Y tế và ngành Xây dựng, các tỉnh thành phía Nam đã kịp thời có những chỉ đạo nhằm triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã nhanh chóng ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào công trường; khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc có tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng, vệ sinh công trường xây dựng sau mỗi ca làm việc; phân luồng lưu thông, di chuyển của công nhân, đảm bảo công tác giám sát sức khỏe và phòng hộ cá nhân cho người lao động…

nganh xay dung phia nam ung pho voi dich covid 19
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 ở công trường xây dựng do Coteccons thi công tại Quảng trường Mê Linh, quận 1.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoà Bình - Giám đốc Sở Xây dựng khuyến cáo, các công trình, dự án không mang tính đặc thù, khẩn cấp thì chủ đầu tư điều chỉnh giãn tiến độ hoặc tạm ngưng thi công xây dựng nhằm hạn chế tập trung đông người tại các công trình xây dựng, hạn chế thi công ca đêm nếu không có yêu cầu đặc biệt. Số lượng nhân công tập trung tại các sàn không quá 20 người trong một ca và thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi làm việc, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay theo quy định.

“Nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại công trường, bảo đảm sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động và phải có văn bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch covid-19 gửi UBND quận, huyện nơi có công trình xây dựng”, ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài những quy định chung thì Sở Xây dựng Bình Dương lại đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trường xây dựng trên địa bàn như: Không tập trung công nhân từ 10 người trở lên trong không gian làm việc như phòng họp, sàn công tác, vận thăng, thang máy và không gian kín khác tại công trường nếu không cần thiết.

nganh xay dung phia nam ung pho voi dich covid 19
Kiểm tra thân nhiệt khi vào công trình của CC1.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng trên địa bàn cần xem xét đề xuất phương án điều chỉnh tiến độ (nếu có) theo kế hoạch do đơn vị thi công đề xuất làm cơ sở cho chủ đầu tư xem xét điều chỉnh tiến độ tổng thể nếu xét thấy cần thiết. Đồng thời không sử dụng điều hòa ở chế độ nhiệt độ dưới 26°C.

Ngoài ra, tại mỗi công trường phải tiến hành rà soát người lao động đến từ các vùng dịch trong và ngoài nước để thông báo cho UBND quận, huyện nơi có công trình để tổ chức cách ly theo quy định.

Thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch Covid – 19 tại các công trường xây dựng trên cả nước. Theo đó, Công đoàn Tổng Công ty phối hợp với các đơn vị thành viên mua 20.000 khẩu trang tặng cho người lao động tại các công trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng Công ty cũng yêu cầu Ban quản lý dự án, Chỉ huy trưởng công trường phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Tại công trình Quảng trường Mê Linh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Coteccons đã triển khai quy trình 9 bước kiểm soát và ứng phó dịch Covid-19. Tại đây, 100% công nhân đang làm việc tại công trường đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m. Theo quy trình kiểm soát, các đối tượng không được phép vào làm việc, thi công tại dự án khi không mang khẩu trang hoặc đồ bảo hộ cần thiết; kiểm tra y tế tại cổng phát hiện có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc có yếu tố nghi ngờ theo tờ khai báo y tế.

nganh xay dung phia nam ung pho voi dich covid 19
Sinh hoạt thường tại nhà máy bê tông Thủ Đức của Công ty CC1 – Mê Kông với trang bị bảo hộ lao động khẩu trang và khoảng cách tối thiểu theo khuyến cáo với người lao động.

Cụ thể, tại cổng công trường, Công ty bố trí nhân viên có kiến thức về dịch Covid-19, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, y tế để kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả cán bộ nhân viên, đội thi công, khách ra vào cổng.

Các cá nhân trong quá trình làm việc tại dự án nếu phát sinh các yếu tố bất thường sẽ được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt lần 2. Trường hợp qua kiểm tra y tế lần 2 không đạt và phát hiện người nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2, thì Ban chỉ huy công trường sẽ phải thực hiện cách ly và hỗ trợ y tế, đồng thời, phải thông báo, phối hợp ngay với cơ quan y tế để xử lý

Song song với các biện pháp kiểm tra đầu vào, Ban chỉ huy Coteccons thường xuyên tuyên truyền, cập nhật cho người lao động, tổ đội thi công về cách phòng ngừa virus, tăng cường tần suất khử trùng văn phòng làm việc, bố trí khu vực rửa tay thuận tiện…

Trước đó, Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản không tổ chức các sự kiện đông người: Như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…; hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online) để phòng tránh nguy cơ lây lan virus Sars-CoV2.

Điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, như: Lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin; Thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian… Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp làm việc này như Hưng Thịnh, Novaland…

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhìn nhận: Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “Tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Đối với các Tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.

Cao Cường – Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load