Thứ sáu 29/03/2024 21:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Xây dựng khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng dịch Covid-19

14:09 | 26/10/2021

(Xây dựng) - Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường tại nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách. Ngành Xây dựng cũng là ngành kinh tế chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid.

nganh xay dung khac phuc kho khan cho doanh nghiep va nguoi dan anh huong dich covid 19
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Trong đợt dịch đầu năm (từ 28/01 - 25/3), qua kinh nghiệm có được từ 02 đợt dịch năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự thích ứng tốt của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản cơ bản vẫn giữ được sự ổn định, thậm chí đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển trở lại trong quý II/2021. Nhìn chung, trong 06 tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có dấu hiệu và một số chỉ số tương đối khả quan như: về nguồn cung có 180 dự án với 55.576 căn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020; về lượng giao dịch có 55.335 giao dịch thành công tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo (từ cuối tháng 4, đầu tháng 5) và đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8; khi nhiều địa phương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản trong quý III cũng gặp nhiều khó khăn hơn:

Về nguồn cung: Tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước. Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60% -70% so với quý II.

Về lượng giao dịch: Lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh so với quý II; tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được; nhiều khu vực thị trường có hiện tượng “đóng băng tạm thời”; Theo thống kê sơ bộ thì tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường; riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường.

Về giá giao dịch: Tại nhiều địa phương do thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn; các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II: giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) đều vẫn giữ giá hoặc vẫn tăng nhẹ (khoảng 1% - 2%); giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm (khoảng 1% - 2%); giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2% - 3%, ngoài ra chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10% – 20 % tùy theo từng điều kiện cụ thể.

Diễn biến về giá giao dịch các loại bất động sản cho thấy rõ nét nhất về ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản, cụ thể:

Ngay từ đầu năm, do gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, các nhà đầu tư và kể cả người dân xem bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn; nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên các cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước; đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương tăng 30% – 50% so với thời điểm cuối năm 2020.

Cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30% - 40% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác, như: Xi măng, cát, gạch... cũng tăng, từ đó, làm tăng giá thuế của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản. Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Ngược với xu hướng tăng giá bán của hầu hết các loại hình bất động sản, do khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giá cho thuê các loại bất động sản lại giảm. Giá cho thuê mặt bằng thương mại giảm 10% – 20% thậm chí cao hơn tùy theo thời điểm, điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản: Qua tổng hợp cho thấy, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, trong 8 tháng đầu năm 2021 có gần 1,6 tỷ USD vốn đăng ký, chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực hoạt động xây dựng

Đối với các địa phương không thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, hầu hết các công trình xây dựng vẫn đang triển khai thi công và tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và địa phương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định…). Việc thực hiện thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giữa các địa phương (và ngay trong cùng một địa phương) không thống nhất với quy định (như về các loại hàng hóa được lưu thông, các công trình được tiếp tục thi công nếu tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch …). Ngoại trừ thành phố Đà Nẵng, hầu hết các địa phương không quy định riêng về điều kiện để các công trình được phép tiếp tục thi công ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Riêng các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, từ cuối tháng 6/2021 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các hoạt động thi công xây dựng đang gặp nhiều khó khăn:

Đa số các địa phương đều ban hành các văn bản dừng thi công, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội, ngừng thi công kéo dài tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và công tác giải ngân vốn đầu tư công; ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh vốn đầu tư; kế hoạch đầu tư cho từng dự án để bảo đảm thực hiện chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế (như đường bộ cáo tốc, sân bay Long Thành…) đang đặt ra nhiều thách thức. Sau một thời gian ngừng thi công, một số địa phương cho phép tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm, cấp bách nhưng không có quy định riêng về điều kiện hoặc nguyên tắc xác định các công trình được phép tiếp tục thi công.

Một số công trình xây dựng do các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành đầu tư xây dựng tại các địa phương phục vụ mục đích chống lũ trong mùa mưa bão đang gặp khó khăn, đình trệ.

Gián đoạn cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng. Tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, việc cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị không phải là các dịch vụ thiết yếu không thể vận chuyển đến công trường.

Thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành Xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng được huy động từ nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, một số lượng lớn công nhân do tình hình dịch bệnh đã di chuyển về quê, nhất là lao động tự do, nên không đủ nguồn nhân lực cho công trường; việc huy động nhân công để tiếp tục thi công sẽ mất nhiều thời gian, chi phí gây độ trễ.

Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại một số công trình được phép thi công rất cao, khó kiểm soát do số lượng lớn nhân công xây dựng đa phần là lao động thời vụ.

Chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, cũng như những chi phí phát sinh khác (như việc dừng thi công xây dựng làm phát sinh chi phí; bổ sung các chi phí cho công tác phòng, chống dịch…). Thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng.

Đối với việc xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công còn vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện.

Những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.

Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng

Tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong nước và các nước trên thế giới, trong khu vực, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong khu vực, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, tăng giá, kéo dài thời gian nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng… Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước giảm so với trước khi có dịch bệnh Covid-19, giá thép có thời điểm tăng cao bất thường nhưng đang giảm dần. Các quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng tiếp tục được triển khai nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa tại các quốc gia dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30-40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường); giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%;... Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ đang giảm mạnh do các công trình xây dựng ngưng trệ; hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội buộc phải ngừng hoạt động. Tại các địa phương có dịch, doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ để duy trì sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì sản xuất nếu dịch bệnh kéo dài do không tiêu thụ được sản phẩm, thiếu vốn lưu động, thiếu kho chứa sản phẩm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cho công nhân thực hiện cao, giá thành sản phẩm cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống khẩn cấp dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã khẩn trương nghiên cứu và ban hành Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 01/3/2021, hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn nêu trên có thể tham khảo và áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Ngày 19/7/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký Quyết định số 869/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ các địa phương phía Nam chuẩn bị phương án thực hiện xây dựng các bệnh viện dã chiến, thiết lập các khu cách ly để phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp để duy trì các hoạt động xây dựng trên địa bàn địa phương được liên tục; nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp bảo đảm việc cung ứng dịch vụ công ích đô thị, tránh gián đoạn; tổ chức kiểm tra trực tiếp và thường xuyên họp trực tuyến với các cơ quan liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Bộ Xây dựng đã tổ chức họp trực tuyến với thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh phía Nam để giải đáp kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến đồng thời phân công Cục công tác phía Nam kết hợp với các đơn vị của Bộ khảo sát trực tiếp tại Thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh phía Nam để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc tại hiện trường xây dựng công trình bệnh viện dã chiến và phụ trách trực tiếp công tác phòng chống dịch tại Quận 6 và Quận 8; Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng đã khảo sát thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Thành phố Hà Nội nhằm nắm bắt tình hình cụ thể và giải đáp kịp thời các vướng mắc của địa phương thông qua hình thức trực tiếp hoặc văn bản.

Để đáp ứng yêu cầu tính cấp bách trong việc xây dựng bệnh viện dã chiến sử dụng vốn đầu tư công và đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được quy định tại các pháp luật khác nhau về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế xây dựng Bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch theo Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, hiện nay Bộ Xây dựng đã có văn bản số 3663/BXD-HTKT ngày 09/9/2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ để xây dựng Nghị quyết Cơ chế đầu tư xây dựng công trình phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Bộ đã Ban hành Văn bản hướng dẫn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng, đưa ra nguyên tắc để xác định các công trình được tiếp tục thi công xây dựng và công tác phòng, chống dịch trên công trường xây dựng để triển khai áp dụng. Hướng dẫn duy trì dịch vụ sửa chữa hệ thống điện, nước trong nhà trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng trực tiếp làm tổ trưởng và một Thứ trưởng là tổ phó thường trực, thành viên tham gia là lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ (theo Quyết định số 1118/QĐ-BXD ngày 05/10/2021).

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…

Ngay trong tháng 10 vừa qua, Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam đã được Bộ Xây dựng tổ chức trong Chương trình của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng. Hội nghị nhằm rà soát tình hình tại các khu vực phía Nam, nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, qua đó kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ đã có văn bản số 2472/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.

Nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước vẫn liên tục, thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu của của doanh nghiệp và người dân tháo gỡ vướng mắc khó khăn, Bộ đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục hành chính đảm bảo được thực hiện thường xuyên, không bị gián đoạn; Xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ Xây dựng; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong đơn vị; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để gián đoạn, đặc biệt là những nhiệm vụ, công việc có thời hạn.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP và văn bản số 8281/BTC-NSNN ngày 08/7/2020 của Bộ Tài chính về việc xác định số cắt giảm, tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên 6 tháng cuối năm 2020; Bộ Xây dựng đã có văn bản số 3629/BXD-KHTC ngày 29/7/2020 yêu cầu các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong nước, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản mua sắm chưa thực sự cần thiết. Kết quả, Bộ Xây dựng đã cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng kinh phí là 4.579,761 triệu đồng.

Thực hiện yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, văn bản số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính về việc tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2174/BXD-KHTC ngày 14/6/2021 yêu cầu các đơn vị dự toán trực thuộc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong nước, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại tính đến ngày 15/6/2021. Kết quả, Bộ Xây dựng thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021 với tổng kinh phí là 6.928,611 triệu đồng. Bộ ủng hộ hơn 01 tỷ đồng vào Quỹ vắcxin của Trung ương.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load