Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Phong Dinh và Ba Xuyên. Cuối năm 1991 tỉnh Hậu Giang được chia thành Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 26/11/2003, tỉnh Cần Thơ được chia thành TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.
Một góc khu hành chính tập trung của tỉnh Hậu Giang.
Những ngày này, nếu ai có dịp ghé Hậu Giang thì sẽ cảm nhận được niềm vui của người dân đang hân hoan kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh. Trên từng con phố, hàng cây ven đường, tới tường rào, công trình… tất cả được chăm sóc kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Huỳnh Đức - Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang nhớ lại: “Khi mới thành lập, Hậu Giang là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng hầu như chẳng có gì. Trên địa bàn toàn tỉnh có 6 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Qua 10 năm phát triển, đến nay, trên địa bàn Hậu Giang có đã có 15 đô thị được công nhận và xếp loại, trong đó có 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Dự kiến đến năm 2015 sẽ xây dựng TX Ngã Bảy đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; 4 thị trấn (thị trấn Nàng Mau - huyện Vị Thủy; thị trấn Ngã Sáu - huyện Châu Thành; thị trấn Một Ngàn - huyện Châu Thành A và thị trấn Cây Dương - huyện Phụng Hiệp) nâng cấp lên đô thị loại IV. Đồng thời, đến năm 2020 sẽ xây dựng TP Vị Thanh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II nâng tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ đạt 19 đô thị, trong đó gồm 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 11 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V”.
Qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, Hậu Giang đã hình thành được trung tâm hành chính với quy mô hiện đại tập trung các cơ quan đầu ngành của tỉnh hoạt động. Các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển như: Đường Trần Hưng Đạo nối dài, đường Tây Sông Hậu, đường Hậu Giang, bờ kè kênh xáng Xà No, Bệnh viện đa khoa Hậu Giang 500 giường, Trụ sở UBND tỉnh, Trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang… Tổng nguồn vốn đầu tư cho Hậu Giang là hơn 65.000 tỷ đồng được huy động cho toàn xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đã huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội và xây dựng 40.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương; hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 trên 7.100 căn nhà, cùng đó là trên 2.000 hộ gia đình được bố trí vào ở trong cụm tuyến dân cư vượt lũ theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng…
Ông Đức cho biết thêm: “Những bứt phá của Hậu Giang đã làm thay đổi bộ mặt đô thị cũng như nhiều vùng nông thôn, đưa vị thế của Hậu Giang từ một tỉnh nghèo khó trở thành trung bình khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là thành quả của sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương tới địa phương với các thế hệ đi trước, những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên Hậu Giang hôm nay. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội thi tay nghề công nhân giỏi ngành Xây dựng hàng năm cũng có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo cho những công nhân ngành Xây dựng có sân chơi lành mạnh, có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, qua đó thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề góp phần xây dựng những công trình trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng và thẩm mỹ”.
Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên trên 1.600km2 với dân số gần 770.000 người gồm các dân tộc Việt, Hoa, Chăm và Khmer. Hậu Giang có 7 đơn vị hành chính, gồm 1 TP, 1 TX và 5 huyện với 74 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 phường, 12 thị trấn và 54 xã. Phía Tây Hậu Giang giáp tỉnh Kiên Giang, phía Bắc giáp TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng. |
Cao Cường
Theo