Thứ bảy 20/04/2024 16:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Xây dựng đóng góp một vai trò quan trọng trong lĩnh vực ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu

20:06 | 04/10/2021

(Xây dựng) - Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26) được tổ chức vào tháng 11/2021, tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ngày 23/4, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% (tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ) tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) khi có hỗ trợ quốc tế.

nganh xay dung dong gop mot vai tro quan trong trong linh vuc ung pho toan dien voi bien doi khi hau
Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu (Ảnh: Internet).

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu năm 2015 (COP 21) với Thoả thuận Paris được ký kết, đây là lần đầu tiên một thỏa thuận về ứng phó biến đổi khí hậu có tính ràng buộc trách nhiệm với tất cả các bên tham gia, trong đó chủ yếu thông qua Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC).

Theo báo cáo cáo cập nhật của Việt Nam đệ trình các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) 30/9/2015, với định hướng giảm phát thải khí nhà kính trong trường hợp phát thải cơ sở của Việt Nam (BAU) không có lâm nghiệp thay đổi sử dụng đất đến năm 2030 thì mức phát thải của Việt Nam đã công bố với quốc tế trong báo cáo cập nhật gửi Ban thư ký Công ước vào năm 2014 thì mức phát thải là 787 triệu tấn CO2 tương đương thì Việt Nam đã cam kết giảm 8% với nguồn lực trong nước và mức 25% nếu được sự hỗ trợ từ quốc tế. Hỗ trợ từ quốc tế thì chúng ta sẽ giảm 25%.

Trong báo cáo cập nhật năm 2020 về đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam gửi UNFCCC. Tại hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK, Việt Nam xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2021-2030 đối với các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, LULUCF, chất thải, các quá trình công nghiệp (IP). BAU với năm cơ sở là 2014 và dự tính cho đến năm 2030. Các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK trong NDC cập nhật, bao gồm: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; Thay đổi cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải (GTVT); Chuyển đổi phương thức vận tải hành khách, hàng hóa; Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; Giảm phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp; Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các-bon và các dịch vụ môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân sống phụ thuộc vào rừng; Quản lý chất thải; Giảm nhẹ phát thải KNK bằng các biện pháp thay thế vật liệu xây dựng và cải tiến quy trình sản xuất xi măng, công nghiệp hóa chất và giảm tiêu thụ các chất HFCs.

Theo báo cáo cập nhập NDC của Việt Nam năm 2020, kịch bản phát thải thông thường (BAU) của các lĩnh vực cùng được cập nhật làm rõ hơn các nội hàm phát thải. Ví dụ Lĩnh vực năng lượng (bao gồm các nguồn phát thải sau: Công nghiệp sản xuất và xây dựng; Giao thông vận tải; Gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mai; Công nghiệp năng lượng) được dự báo năm 2025 là 500,7 triệu tấn CO2tđ, năm 2030 là 678,4 triệu tấn CO2tđ; Lĩnh vực chất thải (bao gồm: Chôn lấp chất thải rắn; Xử lý nước thải công nghiệp; Xử lý nước thải sinh hoạt; Phát thải từ chất thải của con người; Đốt chất thải rắn; Composting). Dự báo năm 2025 là 38,1 triệu tấn CO2tđ, năm 2030 là 46,3 triệu tấn CO2tđ. Tổng lượng phát thải KNK theo kịch bản thông thường của tất cả các lĩnh vực trên tương ứng với các năm 2025, 2030 lần lượt là 726,2 và 927,9 triệu tấn CO2tđ.

Theo cam kết của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đã thông qua vào ngày 24/7/2020 tại Văn bản số 1982/VPCP-QHQT, Việt Nam cam kết giảm 9% lượng phát thải KNK bằng nguồn lực trong nước và 27% nếu có nguồn lực quốc tế hỗ trợ. Như vậy, so với lần cập nhật trước (2015), mức độ cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK cao hơn so với 1% với nguồn lực trong nước và 3% nếu có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Đây là mức cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu, mặc dù Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp so với thế giới. Để thực hiện được cam kết này đòi hỏi phải có sự tham gia rất lớn của các Bộ, ngành và địa phương.

nganh xay dung dong gop mot vai tro quan trong trong linh vuc ung pho toan dien voi bien doi khi hau
Bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của con người.

Hành động của Bộ Xây dựng

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng được quy định tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP thì Bộ Xây dựng được Chính phủ giao quản lý Nhà nước 11 lĩnh vực chuyên môn như: Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc; về hoạt động đầu tư xây dựng; về phát triển đô thị; về hạ tầng kỹ thuật; về nhà ở, công sở; về vật liệu xây dựng; về an toàn trong xây dựng; về bảo vệ môi trường trong xây dựng… Như vậy, các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc phát thải KNK như: Quy hoạch xây dựng cần dựa vào yếu tố tôn trọng tự nhiên, tận dụng tối đa hướng nắng, hướng gió để phục vụ nhu cầu con người, giảm tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà (nhà ở, công sở); lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, trong đó có quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đều phát thải KNK; lĩnh vực vật liệu xây dựng thì phát thải KNK chủ yếu là các nhà máy sản xuất xi măng, kính xây dựng, một số loại vật liệu xây.

Trong giai đoạn 2015- 2020, Bộ Xây dựng đã tích cực chủ động tham gia cùng Chính phủ, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể là: Năm 2016 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 811/QĐ-BXD, phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Xây dựng giai đoạn 2016-2020. Năm 2017 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký 2 Quyết định số 802/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong công nghiệp xi măng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 419/QĐ-BXD ban hành kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Theo Dự thảo Nghị định về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon để hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trưởng sửa đổi năm 2020 đang được các bộ, ngành trình Chính phủ, trong đó dự kiến giao các Bộ, trong đó có Bộ Xây dựng phải tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cho giai đoạn đến hết năm 2025, giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030; thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Tại Phụ lục I, mục I.2 về mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của các Bộ quản lý lĩnh vực năm 2030, thì Bộ Xây dựng sẽ phải đạt mục tiêu giảm phát thải KNK tối thiểu 74,3 triệu tấn C02 tương đương cho quá trình công nghiệp trong xây dựng và tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng. Đây các là khái niệm, nội dung công việc khá mới đối với các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực nên cần được tiếp cận đa chiều, cầu thị trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Khi các quy định pháp luật về lĩnh vực này có hiệu lực, chắc chắn Bộ Xây dựng sẽ phải có cách tổ chức, xây dựng bộ máy, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để thực thi, nhằm mục tiêu tiêu giảm nhẹ phát thải KNK như đã cam kết, đồng thời có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load