Là địa phương ven biển năng động và giàu tiềm năng nhất nhì cả nước, tỉnh BR-VT đã khẳng định vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong 22 năm xây dựng và phát triển để trở thành tâm điểm trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong nhiều lĩnh vực. Để tạo được vị thế này, ngành Xây dựng BR-VT đóng góp rất lớn trong sự phát triển đó.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, cũng như các ngành kinh tế khác, ngành Xây dựng BR-VT đã phải đối diện với những khó khăn như: Biến động giá, mặt bằng lãi suất ngân hàng khá cao… ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD của các DN trong ngành. Tốc độ đô thị hóa tăng cao dẫn đến việc tập trung dân cư quá đông trong khi kết cấu hạ tầng và dịch vụ xã hội quá tải, tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng ngày càng phức tạp, nhu cầu về nhà ở xã hội ngày một cao, trong khi đó thì hàng ngàn biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang, giao dịch BĐS phần lớn còn tự phát, thị trường chưa có tính minh bạch, thiếu lành mạnh.
Với vai trò chủ chốt trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, trong suốt chặng đường 22 năm xây dựng và phát triển, ngành Xây dựng BR-VT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều quyết sách như công tác quản lý kiến trúc - quy hoạch, phát triển đô thị… lập quy hoạch tổng thể các đô thị và điểm dân cư nông thôn. Và đến năm 2005, quy hoạch vùng tỉnh BR-VT đến năm 2025 được phê duyệt. Trên cơ sở này, các quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết sử dụng đất được CBNV ngành Xây dựng khẩn trương thực hiện. Đến nay, số quy hoạch do đã thiết lập, gồm: 1 đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 11 đồ án quy hoạch chung, 23 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000; 221 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; 42 quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Đến nay các đô thị đã có quy hoạch xây dựng chung được phê duyệt, đảm bảo tính khoa học và khả thi; đồng thời đã cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng quan trọng, như: Khu công nghiệp, khu du lịch, khu trung tâm đô thị, các khu dân dụng. Bên cạnh đó, hàng loạt quy hoạch phát triển ngành, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, cũng được lập và phê duyệt, tạo nên sự thống nhất trong định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, và làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư, tăng cường hiệu lực quản lý xây dựng, phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật của địa phương.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực của ngành, cùng nhiều cơ chế, chính sách về hoạt động xây dựng, đã được ban hành. Hàng trăm văn bản được triển khai, đáp ứng với yêu cầu ở từng giai đoạn, tạo ra hành lang pháp lý, đảm bảo cho hoạt động xây dựng tuân thủ đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác làm việc với từng địa phương để giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý. Đây cũng là cơ sở để ngành không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản theo sát tình hình thực tế, làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành, cùng các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng. Cơ chế quản lý xây dựng cũng không ngừng đổi mới theo hướng phân định rõ quản lý nhà nước và quản lý SXKD, nhằm tăng tính chủ động sáng tạo của các thành phần kinh tế, thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển, khơi dậy tiềm năng của ngành.
Bên cạnh việc tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các đơn vị trong ngành, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 115 dự án phát triển nhà ở, bao gồm cả khu đô thị mới, khu dân cư đô thị, với tổng diện tích 7.711,37ha. Riêng giai đoạn 2005 - 2010, các dự án phát triển nhà ở được bổ sung thêm khoảng 1.000.000m2 sàn (chưa tính nhà dân đơn lẻ), tăng gấp 3 lần so với năm 1999 (đạt 7.464.056m2). Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh phát triển quỹ nhà ở xã hội, giai đoạn 2009 - 2015, với tổng mức đầu tư 2.070 tỷ đồng, xây dựng 5.000 căn hộ và huy động các nguồn lực xã hội xây dựng 4.000 căn; đề án hỗ trợ hộ nghèo, tổng vốn trên 2.580 tỷ đồng; và đầu tư 9.000 tỷ đồng đề án tái định cư định cư. Các đề án trên đến nay BR-VT đã và đang triển khai 46 dự án, với 20.323 suất, vốn đầu tư 4.286 tỷ đồng. Các chương trình: Ký túc xá sinh viên, nhà ở công nhân lao động tại các KCN cũng sẽ khởi công trong thời gian tới, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
22 năm phát triển - trưởng thành trong quản lý hoạt động, ngành Xây dựng BR – VT thể hiện rõ vai trò trách nhiệm. Các dự án đầu tư được kiểm tra, giám sát ngay từ khâu thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đều được thẩm định chặt chẽ đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nhờ vậy, từ năm 2005 đến nay, qua thẩm định thiết kế dự toán 436 công trình, Sở Xây dựng đã loại bỏ gần 110 tỷ đồng chi phí bất hợp lý; kịp thời uốn nắn nhiều sai sót trong quá trình xây dựng. Ngoài định kỳ kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, Sở còn tham gia nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan thành lập. Thường xuyên phối hợp và hướng dẫn các địa phương cùng chủ động thanh tra, kiểm tra các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi đến liên hệ giao dịch, Sở đã chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thay thế 5 loại thủ tục, quy chế giải quyết hồ sơ, và niêm yết công khai tại văn phòng. Ngoài việc theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục xây dựng trên mạng vi tính nội bộ, đồng thời thiết lập các loại sổ sách chuyên biệt theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ đúng với biểu mẫu do Ban chỉ đạo CCHC tỉnh quy định. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác CCHC theo cơ chế một cửa, tháng 6/2005 hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản 2000 được Sở áp dụng. Đến nay, quy trình vận hành đã đi vào nề nếp.
Giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng. Giai đoạn mới thành lập, BR-VT có khoảng 20 đơn vị xây dựng. Vào thời điểm 2001 đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có sự lớn mạnh vượt bậc về số lượng lẫn chất lượng, với 208 đơn vị, khoảng 3.000 người lao động. Đến năm 2010 con số này đã tăng lên 5 lần, với hơn 1.000 đơn vị, DN, khoảng 10 nghìn lao động, thuộc nhiều thành phần kinh tế. Riêng về lĩnh vực tư vấn, thiết kế, từ chỗ chỉ có 2 đơn vị trực thuộc Sở, nay toàn tỉnh đã có 87 đơn vị chuyên biệt, hoặc có chức năng tư vấn, thiết kế, giám sát, kiểm định. Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, vào năm 1995 mới chỉ có 7 cơ sở, nay đã tăng lên thành khoảng 75 đơn vị, với nhiều chủng loại vật liệu xây dựng cao cấp phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh lẫn các tỉnh thành cả nước, đồng thời từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Từ những bề bộn, ngổn ngang, hoàn toàn chưa có một quy hoạch cụ thể, vậy mà trong 22 năm, với biết bao thử thách khó khăn, đến nay, mạng lưới đô thị tỉnh BR-VT đã được quy hoạch, phát triển và mở rộng, gồm 9 đô thị. TP Vũng Tàu có tầm vóc đô thị loại II (Theo quy hoạch đã được phê duyệt, sắp tới sẽ lên đô thị loại I), TP Bà Rịa - đô thị loại III, các đô thị còn lại gồm: Đô thị mới Phú Mỹ, Ngãi Giao, Phước Bửu, Phước Hải, Đất Đỏ, Long Điền và Côn Đảo thuộc quy mô đô thị loại V. Trong số này, có 3 đô thị đặc thù vùng ven biển gồm Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải. Tương lai sẽ tiếp tục hình thành đô thị Lộc An, Bình Châu. Ngoài ra còn có 14 khu công nghiệp tập trung cùng 46 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch, và đang ngày càng khẳng định tính đúng đắn, sát thực, hiệu quả theo định hướng quy hoạch. Tất cả góp phần tạo ra động lực phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Những dấu ấn trên chặng đường dài nỗ lực không nghỉ của ngành Xây dựng BR-VT cũng thể hiện đậm nét qua công tác chỉnh trang đô thị. Hiện nay, BR-VT đã chỉnh trang cơ bản các khu đô thị cũ như Nam Sân bay TP Vũng Tàu, khu đô thị trung tâm Bà Rịa, các khu trung tâm thị trấn huyện lỵ… Không gian đô thị đã và đang phát triển mở rộng nhanh chóng ra các khu đô thị mới như trung tâm Chí Linh, Bắc Sân bay TP Vũng Tàu và tại các đô thị mới như đô thị mới Phú Mỹ, thị trấn Đất Đỏ và thị trấn Phước Hải. Các vùng kinh tế, như: Công nghiệp, bến cảng, nông - lâm - ngư nghiệp đã định hình, từng bước đi vào hoạt động. Các khu du lịch của tỉnh, các tổ hợp du lịch tầm cỡ quốc tế ở Bàu Trũng, Cửa Lấp, Long Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu dần hình thành, thu hút hàng tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải tạo nâng cấp, phát triển đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng ở các đô thị tăng nhanh, trật tự, kỷ cương được lập lại. Bộ mặt kiến trúc đô thị, đường phố, vệ sinh môi trường đô thị được khang trang sạch đẹp hơn. Nhà ở, nước sinh hoạt và các dịch vụ ở các khu đô thị được cải thiện, nâng cấp theo từng giai đoạn.
Đi trọn hành trình 22 năm, ngành Xây dựng BR-VT đã tạo được thế và lực để vững vàng, mạnh mẽ với tiến trình hội nhập sâu rộng cùng BR-VT nói riêng, cả nước nói chung ở chặng đường tiếp theo, với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Tiếp tục củng cố về đội ngũ để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng quản lý nhà nước, ngành Xây dựng cũng không ngừng đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuộc ngành, và sẵn sàng cho bước tiến xa hơn, hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới.
22 năm qua, với những cống hiến to lớn và sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của tỉnh, ngành Xây dựng BR-VT đã được Nhà nước, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh đánh giá cao, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: 03 Huân chương Lao động hạng Nhì, 04 Huân chương Lao động hạng Ba, 06 bằng khen của Chính phủ, 42 Bằng khen của Bộ Xây dựng và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 18 cờ thi đua xuất sắc, 56 Bằng khen của UBND tỉnh, UBMTTQ, Liên đoàn lao động tỉnh, 18 huy chương vàng công trình chất lượng cao, 133 Huy chương vì sự nghiệp xây dựng Việt Nam. Riêng Sở Xây dựng từ năm 2002 đến nay, liên tục đạt danh hiệu tập thể xuất sắc được Bộ Xây dựng và UBND tỉnh tặng bằng khen. |
Mạnh Cường
Theo baoxaydung.com.vn