Hai từ “nợ xấu” được nhắc nhiều trong năm vừa qua và sẽ còn nhắc tới trong năm 2013 này. Nhiều vấn đề khác cũng được “đánh dấu đỏ” mà giờ đã thành sự thực.
Cảnh báo dòng tiền đổ vào lĩnh vực "nóng"
Trong năm 2010, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều cảnh báo cho nền kinh tế, trong đó đó là việc ngăn dòng tiền chảy vào các lĩnh vực “nóng” và cần đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị thực cho xã hội.
Hồi tháng 9/2010, Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia đã đưa ra một vài thống kê cho thấy, rất nhiều dòng vốn của các ngân hàng mạnh các lĩnh vực “nóng”, như bất động sản.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng từng cảnh báo về vấn đề này. Và giờ ông là một trong những người phải ngồi tính toán để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam từng đau đầu vì dòng vốn cứ tản ra các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, găm giữ đô la Mỹ, mà không vào sản xuất. Ông Cao Sỹ Kiêm cũng là người nhiều lần “kêu gọi” thị trường cần đổ vốn vào hoạt động sản xuất để mang lại giá trị thực cho xã hội.
Cũng cách đây 2 năm, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cần giảm tỷ lệ tín dụng khu vực phi sản suất (chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản) xuống tối đa 16%. Trong khi đó, các nhà băng lại lo ngại, tín dụng khu vực này lâu nay vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, nay lại buộc phải “bóp bụng” thì khó sinh lợi nhuận.
Sự cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế chẳng thấm vào đâu với khoản lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại. Thế nên, chỉ một khoảng thời gian ngắn, “cục máu đông” đã xuất hiện và chèn ép mạch lưu thông của nền kinh tế.
Điểm lại khoản nợ xấu ở nhiều ngân hàng cho thấy, rất nhiều nợ xấu nằm ở bất động sản.
Những cuộc mua bán sáp nhập đã được dự đoán từ rất sớm
Những cuộc mua bán sáp nhập
Cũng trong năm 2010, những tiên đoán về mua bán sáp nhập đã được tung ra rầm rĩ. Phương án tăng vốn điều lệ phải được trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đúng hẹn đã gây áp lực khiến các nhà băng cùng chạy đua tìm vốn, kêu gọi liên doanh, sáp nhập, hợp nhất. Đương nhiên, nợ xấu cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều ngân hàng buộc phải tính đến phương án sáp nhập, liên doanh nếu không muốn phá sản. Ngoài ra, còn một lý do khác đó là các cuộc “thâu tóm” của những kẻ mạnh.
Trong năm 2011, ba ngân hàng đầu tiên đã tự động tìm đến nhau cùng hợp nhất, gồm: ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB).
Theo NHNN, 3 ngân hàng này trước khi hợp nhất đã gặp khó khăn về thanh khoản chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn. Điều này dẫn đến khi nguồn vốn ngắn hạn gặp khó khăn, cả 3 ngân hàng đều mất khả năng thanh toán tạm thời.
Sự hợp nhất của 3 ngân hàng đã đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Sau nhiều lần úp mở, cuộc sáp nhập giữa Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng được công bố đầu tháng 8/2012.
Thương hiệu Habubank từng đình đám hàng chục năm trên thị trường tài chính đã bỗng chốc biến mất trong sự bàng hoàng, bức xúc của nhiều cổ đông. Lý do cũng từng được cảnh báo, đó là nợ xấu.
Gần đây nhất, cũng sau nhiều tin đồn, ngân hàng Eximbank và ngân hàng Sacombank đã cùng lên kế hoạch về việc sáp nhập trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2013 sẽ vẫn là năm diễn ra các cuộc mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi, M&A là một nội dung của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm hướng tới một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn.
Chuyên gia tài chính TS.Vũ Đình Ánh cho biết, trong năm 2013 xử lý nợ xấu và thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ vẫn còn tiếp tục.
Trong năm 2012, trong số 9 ngân hàng thương mại thuộc diện tái cấu trúc thì vẫn còn “rơi rớt” lại 4 ngân hàng gồm: GPBank, Navibank, TrustBank và Western Bank vẫn đang tiếp tục tìm kiếm phương án tái cơ cấu.
Ngoài ra, không chỉ có những ngân hàng nhỏ tìm đến M&A, ngay cả ngân hàng lớn cũng sẽ xảy ra.
Trong năm 2012, đã có một số ngân hàng lớn thực hiện những thương vụ M&A đình đám, như thương vụ Mizuho Corporate Bank mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá 567 triệu USD và Tokyo-Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của Vietinbank với giá 743 triệu USD.
Theo Đinh Bách - VnMedia
Theo baoxaydung.com.vn