Thứ bảy 20/04/2024 06:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành KH&CN tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước

14:29 | 06/01/2021

Chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bắt đầu được hình thành và có những bước phát triển nhanh chóng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục tăng… Đây là những kết quả nổi bật của Bộ KH&CN trong năm 2020.

nganh khcn tao dong luc phat trien nhanh ben vung dat nuoc
Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ KH&CN. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sáng 6/1, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của bộ, ngành KH&CN thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Năm 2020, các chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành, gồm 16 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 07 văn bản cấp Bộ. Các văn bản được ban hành tập trung vào hoàn thiện cơ chế tài chính cho KH&CN, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN; hoàn thiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, thu hút nguồn nhân lực hoạt động KH&CN, đặc biệt nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam…

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai và trình 100% đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu nổi bật như nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu. Sản phẩm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Trong năm 2020, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Điển hình như, trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu chế tạo thành công chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi trong 30 phút; kỹ thuật sử dụng laser quang đông trong can thiệp trước sinh, giúp cứu sống được hàng chục trẻ sơ sinh mang dị tật bẩm sinh; chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng; phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, thể hiện trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ và sự tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam.

Đối với hoạt động KH&CN địa phương, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn thông qua Chương trình nông thôn miền núi và các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, cấp tỉnh; xác định công nghệ phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương thúc đẩy phát triển KTXH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được các mô hình sản xuất có hiệu quả; mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị, tạo thành sản phẩm chủ lực của địa phương, được công nhận, bảo hộ thương hiệu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển

Năm 2020, Bộ KH&CN phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 với trên 6.500 lượt người tham dự trực tiếp, trên 50.000 lượt tham gia trực tuyến; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư 14 triệu đô la Mỹ. Cùng với đó, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia theo vùng, tỉnh và lĩnh vực.

Thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Triển khai Nghị quyết số 50 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều hoạt động đã được triển khai như xét duyệt các nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN2020; chuỗi sự kiện 3 tọa đàm online giúp doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN; tỉ lệ hài hòa trên 60%). Duy trì quản lý hậu kiểm đối với 92,6% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 92,5% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS); đổi mới hoạt động kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19…

Đối với hoạt động sở hữu trí tuệ, năm 2020, Bộ KH&CN đã cấp 47.168 đối tượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019).

Ngoài ra, công tác bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế; trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác như: Các chính sách, pháp luật còn chưa đồng bộ với pháp luật KH&CN; hoạt động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để đối mặt với thách thức và tận dụng được các cơ hội của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế, cần được triển khai đi vào thực chất hơn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong nhân dân. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Thị trường KH&CN phát triển chậm, thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung-cầu. Nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế, đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp…

Theo Hoàng Giang/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load