Thứ năm 25/04/2024 19:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Giáo dục Thái Nguyên: Nỗ lực vượt khó bước vào năm học mới

10:18 | 04/09/2021

(Xây dựng) - Nhận định về những khó khăn trong năm học 2021-2022, ngoài việc phải thích ứng với diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục Thái Nguyên còn phải đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên.

nganh giao duc thai nguyen no luc vuot kho buoc vao nam hoc moi
Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục tuy được tăng cường, nhưng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải bổ sung nhiều.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các trường học trong tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án tổ chức khai giảng năm học mới và kế hoạch học tập đầu năm. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các nhà trường và chính quyền địa phương đều thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: An toàn mới tổ chức học tập trung; dừng đến trường, nhưng không dừng hoạt động giáo dục.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết: Theo kế hoạch đăng ký sẽ có 4 đơn vị cấp huyện tổ chức khai giảng trực tuyến, các địa phương còn lại sử dụng phương án khai giảng kết hợp trực tiếp và trực tuyến để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngay sau khai giảng, toàn bộ các trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công tổ chức dạy học trực tuyến. Các trường thuộc các huyện: Phú Bình, Đại Từ và Võ Nhai tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các huyện: Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương và thị xã Phổ Yên tổ chức dạy học trực tiếp...

Để thực hiện tốt hoạt động dạy và học trực tuyến, các nhà mạng trên địa bàn Thái Nguyên cũng đã cam kết đảm bảo đường truyền, nhanh chóng xử lý sự cố; đồng thời cũng không tăng cước, phí và có kế hoạch hướng dẫn giáo viên, nhà trường sử dụng các gói miễn phí trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Đình Toán - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Bình cho biết: Phòng đã xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Theo đó, Phòng đã yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh khi quay trở lại trường phải thực hiện khai báo y tế và lịch trình di chuyển trong 14 ngày gần nhất; các nhà trường phải chuẩn bị đủ hệ thống vòi nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn đảm bảo phục vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; chuẩn bị phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị (khẩu trang y tế, thiết bị đo thân nhiệt…); vệ sinh môi trường toàn bộ khuôn viên trường, lớp...

Cô giáo Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Bẩm (thành phố Thái Nguyên) cho hay: Nhà trường đã xây dựng nhiều phương án dạy học bổ sung cho các tình huống khác nhau. Nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và bảo đảm điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch, toàn thể giáo viên sẽ chia ca, phân nhỏ sĩ số lớp 1 từ 35 xuống còn 10-15 em học sinh/ca để dạy học. Thậm chí có thể học cả ca tối, áp dụng đối với những học sinh lớp 1 nhà ở gần trường.

Báo cáo đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên toàn ngành Giáo dục năm 2021 cho thấy: Trong số trên 18.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hơn 82% có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, trong đó, tỷ lệ giáo viên cấp Trung học phổ thông 100% đạt chuẩn và có gần 40% trên chuẩn.

Đến hết năm học 2020-2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có 583/684 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ trên 85%. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ trên 87%, cấp tiểu học có 97%, cấp Trung học cơ sở đạt trên 70% và cấp Trung học phổ thông đạt trên 60%.

Trước thềm năm học mới, các địa phương đã bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung và huy động nhiều nguồn lực tài trợ khác tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện môi trường giáo dục ngày một tốt hơn. Điển hình như huyện Phú Bình dành trên 100 tỷ xây dựng nâng cấp, kiên cố và xây mới hàng trăm phòng học, trường học cao tầng. Trong khi đó, thành phố Thái Nguyên cũng dành trên 40 tỷ đồng nâng cấp các trường bảo đảm giữ chuẩn quốc gia và vận hành kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với các chương trình đầu tư từ ngân sách, các địa phương đều đón nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn lực xã hội tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng trường học. Theo thống kê của ngành Giáo dục, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận được hàng chục tỷ đồng bằng các công trình nâng cấp, sửa chữa xây mới trong các trường học, góp phần nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia.

Mặc dù vậy, bước vào năm học 2021-2022, ngoài việc phải thích ứng với diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục Thái Nguyên còn phải đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên.

Theo Báo cáo mới đây của ngành Giáo dục Thái Nguyên: Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục tuy được tăng cường nhưng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải bổ sung nhiều. Một số gia đình không có điều kiện trang bị thiết bị cho học sinh học tập trực tuyến; hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó, số lượng biên chế toàn ngành đang thiếu so với định mức là 5.370 người. Mặc dù đã có chính sách riêng hỗ trợ kinh phí cho các trường để thực hiện thuê khoán giáo viên, nhưng do tính không ổn định và định mức chưa đủ thu hút nên ảnh hưởng đến công tác giảng dạy các nhà trường. Đặc biệt, khi chuyển sang dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến phải chia tách lớp, dẫn đến phát sinh tăng số giờ dạy, không đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy.

Có thể thấy, những khó khăn phát sinh từ thực tiễn, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang đưa ngành Giáo dục Thái Nguyên đứng trước những rào cản lớn buộc phải vượt qua khi bước vào năm học 2021-2022 này; nhưng ở khía cạnh tích cực, đó cũng là thách thức, cơ hội để cho ngành vững bước và trưởng thành hơn trong thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm chương trình giáo dục, vừa chủ động và linh hoạt phòng, chống dịch bệnh.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load