Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang bán điện trực tiếp đến 7,2 triệu hộ nông dân, chiếm tỷ lệ gần 93% tổng số hộ dân, hơn 7% số hộ còn lại do các tổ chức điện nông thôn mua buôn điện của ngành điện và bán lẻ điện đến các hộ dân phía sau côngtơ tổng, hầu hết tập trung tại hai tỉnh An Giang và Trà Vinh.
(Ảnh minh họa. Hồ Cầu/TTXVN)
Để tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua côngtơ chính của ngành điện, tiến tới hoàn thành vào cuối năm 2020, Tổng công ty đang tập trung thực hiện chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi).
Người dân thiết tha mua điện trực tiếp
Nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh ở ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Cà Mau đang “chia hơi” điện với nhà ông Nguyễn Văn Giới cùng ấp, cách nhà khoảng 700m từ 15 năm nay.
Mỗi tháng nhà ông phải trả tiền điện nhà này qua chia hơi khoảng 200.000 đồng nhưng chỉ dùng được có ba bóng đèn, một tivi và một chiếc quạt nhỏ.
“Tôi đang rất muốn mua chiếc tủ lạnh để trữ đồ ăn vào những ngày nắng nóng mà không dám mua vì điện đang dùng quá yếu. Vì kéo dây xa nên điện lúc có lúc không. Trong khi nhà còn nuôi hơn 10 vuông tôm thâm canh muốn mua máy bơm cũng không thể dùng," ông Vĩnh than thở.
Cũng trong huyện Phú Tân, nhưng nhà ông Ngô Văn Út ở kênh Đất Cày, xã Phú Thuận lại may mắn hơn vì mới có điện trực tiếp từ ngành điện từ Tết Âm lịch năm nay.
Trước kia nhà ông phải “chia hơi” kéo điện từ nhà bà chị cùng ở khúc kênh này với quãng đường xa khoảng 800m nên lúc đó điện rất yếu chỉ dùng được hai cái quạt, một bóng đèn tròn và một chiếc tivi.
“Từ khi sử dụng điện trực tiếp từ Điện lực huyện Phú Tân bán điện, tôi đã mua thêm chiếc tủ lạnh, sắm máy bơm nước cho 12 vuông tôm với hơn 1,5ha tôm sú thâm canh," ông Út cho biết. Đáng lưu ý, với thiết bị điện tăng thêm này nhưng từ Tết đến nay, mỗi tháng gia đình chỉ phải trả từ 200.000-hơn 400.000 đồng, so với trước đây “chia hơi” cũng phải trả đến hơn 300.000 đồng/tháng.
Cũng may mắn như nhà ông Út, nhà chị Hứa Ngọc Nhung ở ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu có điện trực tiếp từ ngành điện từ trước Tết Nguyên đán năm nay.
Chị kể: “Những năm trước, nhà tôi phải chia hơi với một hộ cách xa khoảng 400m và trả tiền điện cho nhà này 300.000 đồng/tháng nhưng chỉ dùng được cho mấy bóng đèn chiếu sáng và một nồi cơm điện. Nhưng từ khi có điện trực tiếp từ ngành điện tôi chỉ phải trả mỗi tháng hơn 200.000 đồng mà còn mua thêm chiếc tủ lạnh để dùng nữa.”
Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng ở ấp Hòa Lạc Trung, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cũng vui mừng không kém khi trước Tết Nguyên đán được sử dụng điện trực tiếp từ ngành điện mà không qua câu phụ.
“Trước đây dùng chung côngtơ tổng với hai hộ khác mà mỗi tháng tôi cũng phải trả tiền điện đến 400.000 đồng. Nay tiền điện phải trả giảm còn một nửa, chất lượng điện lại tốt hơn và sử dụng điện cũng an toàn hơn. Không vui sao được," ông Bằng hồ hởi.
Còn nhà ông Lý Văn Dương ở ấp 15, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, thuộc hộ giải tỏa dự án làm đường giao thông thì từ bốn năm nay vẫn đang dùng điện “chia hơi” do ông không về nơi tái định cư dự án mà lại về mảnh đất riêng của gia đình làm nhà ở.
Ông Dương cho biết,điện “chia hơi” yếu nên hai ông bà chỉ dùng được điện chiếu sáng, hai cái quạt và một nồi cơm điện nhỏ. Thế mà mỗi tháng cũng phải trả tiền điện cho nhà chia hơi là hơn 180.000 đồng.
Ngành điện làm gì?
Đại diện Điện lực Hòa Bình (Công ty Điện lực Bạc Liêu) cho biết, đơn vị đang kéo điện hạ thế 22kV để cấp điện cho 14 hộ trong ấp An Khoa với kinh phí đầu tư xóa câu phụ là 3 triệu đồng/hộ.
Năm nay, mức đầu tư tăng lên là 4 triệu đồng/hộ. Cũng trong năm nay, Điện lực Hòa Bình có kế hoạch xóa câu phụ 460 hộ và gia đình ông Lý Văn Dương ở ấp 15, xã Vĩnh Mỹ B cũng trong diện kế hoạch này.
Theo ông Trác Thanh Điền, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu, để giảm số hộ dân sử dụng điện không an toàn từ hình thức câu phụ, ngay từ năm 2016, Công ty đã tích cực triển khai và đến năm 2017 đã xóa được 15.541 hộ, với tổng số tiền do EVN SPC đầu tư gần 25 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, tạo vẻ mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, đồng thời người dân trả tiền điện đúng theo giá của Chính phủ quy định, không phụ thuộc vào chủ côngtơ điện, có thể sử dụng điện để sản xuất, chăn nuôi.
Năm 2018, Công ty Điện lực Bạc Liêu tiếp tục xóa 2.513 hộ câu phụ với tổng số tiền đầu tư gần 10 tỷ đồng, dự kiến tháng Chín sẽ xong. Chủ trương của Công ty là ưu tiên xóa dần những hộ câu phụ gần lưới điện trước (chi phí đầu tư thấp) và những hộ “chia hơi” mất an toàn.
Các hộ còn lại đang nằm trong Dự án 2081 của Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 dùng ngân sách địa phương; trong đó giai đoạn một xóa các cụm nông thôn của khu vực huyện Hồng Dân (chủ yếu là đồng bào Khơ Me) đã hoàn thành từ năm 2016; giai đoạn hai đang triển khai gồm các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long, dự kiến hoàn thành trong tháng Sáu này.
Giai đoạn ba sẽ triển khai tới các địa bàn toàn tỉnh, trừ thành phố Bạc Liêu và thị xã Gía Rai. Dự án này chỉ phục vụ cho vùng nông thôn nên đến quý 2/2019 sẽ hoàn thành.
Với tiến độ này thì Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh hoàn thành sớm việc xóa câu phụ trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.
Ông Trác Thanh Điền cho rằng, khó khăn hiện nay trong việc xóa câu phụ chỉ là vốn thực hiện nhưng cái được của ngành điện là đóng góp cho xã hội nhiều hơn, đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng điệnvà người dân sử dụng điện theo giá điện của Chỉnh phủ quy định với chất lượng, an toàn.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang, ông Nguyễn Điền Khoán cho biết, Công ty bắt đầu triển khai xóa câu phụ từ năm 2016, với tổng số hơn 9.000 hộ câu phụ, đến nay toàn tỉnh đã xóa được 5.600 hộ với kinh phí gần 15 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân hơn 4 triệu đồng/hộ.
Số hộ còn lại và số hộ phát sinh tiếp sẽ nằm trong kế hoạch triển khai của Công ty trong năm nay với tính toán dự phòng tăng trưởng phụ tải 10%. Do đó hết năm 2018, tỉnh Tiền Giang sẽ cơ bản xóa tình trạng câu phụ trên địa bàn.
Theo chủ trương của EVN, ngành điện phải xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ, tiến tới năm 2020 sẽn bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua côngtơ chính của ngành điện.
Tuy nhiên còn có rất nhiều khu vực xóa câu phụ đang nằm trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định 2081 (dự án 2081) của Chính phủ nên việc xóa câu phụ còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án 2081.
Thực hiện dự án này, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh sẽ làm chủ đầu tư, sau khi đầu tư xong mới bàn giao cho ngành điện bán điện.
Trong năm nay, EVN SPC đã bố trí 194 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh điện để xóa tiếp 49.130 hộ câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ.
Trước đó, trong hai năm qua, EVN SPC đã bố trí 295 tỷ đồng để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua cậu phụ có suất đầu tư thấp dưới 2 triệu đồng/hộ (năm 2016) và 3 triệu đồng/hộ (năm 2017).
Mới đây, EVN SPC đã đề nghị các Công ty Điện lực An Giang, Bình Phước, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ căn cứ theo mục tiêu của Chương trình đầu tư theo Quyết định số 1651/QĐ-TTg để xóa hộ câu phụ, báo cáo và đề nghị UBND tỉnh/thành phố xem xét, cho lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ theo Quyết định này để đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện (nhằm thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn giai đoạn 2016-2020) và các hộ dân hiện đang sử dụng điện qua hình thức câu phụ (nhằm thực hiện Chương trình xóa câu phụ giai đoạn 2016-2020) của đơn vị trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các Công ty Điện lực chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các ban ngành được Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố giao làm chủ đầu tư và quản lý dự án rà soát và đề xuất khối lượng, phạm vi đầu tư, giải pháp kỹ thuật cấp điện cho các hộ dân chưa có điện và các hộ câu phụ không đảm bảo điều kiện về chất lượng điện áp và an toàn sử dụng điện, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và vận hành ổn định sau đầu tư.
Theo Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)