Bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên 2021, điểm đáng quan tâm đó là một số các ngân hàng vẫn tự tin đặt ra những mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với “kịch bản” mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Các ngân hàng vẫn tự tin với mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao. Ảnh: Quang Duy |
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN, đến 17.3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý 1 ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý 1/2020 quanh 0,68%. Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Từ đó, các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. Các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng TMCP như: VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trình đại hội cổ đông mùa này, chỉ tiêu tín dụng là một trong những chỉ tiêu được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm nay và con số đưa ra cao hơn hẳn với "kịch bản" mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Đơn cử tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng VIB vừa được tổ chức vào ngày 24.3 vừa qua, cổ đông của ngân hàng này đã thông qua kế hoạch là tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đều ở mức khoảng 31%. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp cho VIB hơn 8%, thấp hơn nhiều ngân hàng khác.
Tương tự cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng MSB vừa qua dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên hơn 106.000 tỉ đồng; huy động vốn tăng 15% đạt hơn 114.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.280 tỉ đồng, tăng 30%. Lý giải sự tự tin khi đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng này, lãnh đạo ngân hàng MSB cho biết, lợi nhuận quý 1/2021 của MSB rất tốt. Dư nợ cho vay của MSB đến hết quý 1/2021 tăng trên 9%. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của MSB đạt khoảng 1.200 tỉ đồng trong khi cùng kỳ đạt 290 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng trong quý 1 của ngân hàng ACB dự kiến khoảng 3,5%, cao hơn nhiều mức 2,3% của cùng kỳ năm ngoái. Với VPBank tín dụng quý 1 dự kiến có thể tăng 3,9%. Rất nhiều ngân hàng khác đặc biệt là khối quốc doanh thì công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn hơn nhưng cũng rất tự tin trong việc đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức dự kiến tăng trưởng 10%-12%.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng đang được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn nghiêng về kịch bản đầu tiên đó là từ 12-14%. Với việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng thấp cho một số ngân hàng mới đây, VDSC cho rằng các nhà hoạch định chính sách muốn cân bằng giữa mong muốn đạt tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến COVID-19. Tức là nợ xấu cao hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Theo các chuyên gia của VDSC, Ngân hàng Nhà nước đang chọn phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm.
Theo GIA MIÊU/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/kinh-te/ngan-hang-tu-tin-voi-kich-ban-tang-truong-tin-dung-cao-893395.ldo