(Xây dựng) - Để khắc phục tình trạng mất an toàn khi các phương tiện lưu thông trên khu vực thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu BQLDA Đường sắt (Bộ GTVT) thực hiện quây rào thi công kết cấu phần trên các nhà ga thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Bên cạnh đó, TP cũng yêu cầu Sở GTVT, Công an TP phối hợp với BQLDA Đường sắt bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông, hạn chế các phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn tại khu vực thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội thông báo nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn thi công do các phương tiện có chiều cao quá giới hạn lưu thông trên khu vực Dự án đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT cho rằng, dù TP Hà Nội đã quy định chỉ các phương tiện có chiều cao dưới 3,5 m mới được lưu thông trên đoạn tuyến từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn; BQLDA Đường sắt đô thị cũng đã chỉ đạo các nhà thầu cắm biển báo, cổng hạn chế chiều cao nhưng vẫn còn nhiều phương tiện có chiều cao quá giới hạn đi vào khu vực thi công.
Thời gian qua, đã xảy ra nhiều va chạm giữa các phương tiện lưu thông với cổng hạn chế chiều cao tại các khu vực ga Hà Đông (3 lần), ga La Khê (1 lần)... Trong trường hợp các phương tiện va chạm trực tiếp với với hệ thống đà giáo thi công kết cấu phần trên nhà ga thì thiệt hại về người và tài sản là rất lớn, Bộ GTVT nhận định.
Đại diện BQLDA Đường sắt đô thị cho biết: Để đảm bảo an toàn khi thi công kết cấu phần trên của 7 nhà ga (La Thành, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Hà Đông và La Khê thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Ban đã chỉ đạo tổng thầu EPC lập phương án quây rào để thi công các nhà ga trên cao.
Tuy nhiên, để triển khai phương án quây rào khi thi công các nhà ga, BQLDA Đường sắt đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép tổng thầu EPC mở rộng đường vào phần vỉa hè có hạ tầng thoát nước, thông tin liên lạc tại các vị trí xây dựng nhà ga có chiều rộng mặt đường hẹp, đảm bảo chiều rộng tối thiểu, tránh hiện tượng ùn tắc khi các phương tiện lưu thông.
Đối với ga La Thành, BQLDA Đường sắt đô thị đã xin TP Hà Nội cấp phép 2 phương án: Đóng toàn bộ đường không cho phương tiện đi dưới nhà ga và phân luồng giao thông sang các tuyến xung quanh; hoặc đóng đường một thời gian để nhà thầu tiến hành gia cố hệ thống đà giáo thi công đảm bảo an toàn, sau đó mở lại cho các phương tiện lưu thông dưới nhà ga, thực hiện phân luồng từ xa cấm xe tải từ 1,25 tấn, xe khách 16 chỗ trở lên...
Với các ga Đại học Quốc gia, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông cấm không cho các phương tiện đi phía dưới khu vực đang thi công.
Đức Tuân
Theo