(Xây dựng) - Các chuyên gia cho biết, rau rửa 3 nước rồi mà tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn tới hơn 50%. Còn ngâm nước muối thì đã giết hết ký sinh trùng, liệu đã an toàn?
Đáng tiếc, sự thật là ngâm có lâu mấy cũng chẳng thể làm gì được trứng mấy con giun sán. Đó là kết luận của Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội.
Họ đã tiến hành thử nghiệm, đem ngâm các loại trứng giun sán lấy trên rau vào trong hóa chất và nước muối đậm đặc nhưng cũng không diệt được chúng. Hơn nữa, sán lá gan lớn, chui ở trong cọng rau thì không có cách nào rửa sạch được.
Theo kết quả nghiên cứu Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, trong 8 mẫu rau sống thường dùng như xà lách xoong, rau gia vị, rau muống, rau má… cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3 -100%.
Các loại rau sống có nguy cơ chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như giun kim, giun móc, giun đũa, giun đũa chó mèo, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ… Thậm chí rau sống ở một số nơi còn có phẩy khuẩn tả mà có thể dẫn đến tiêu chảy.
Các rau trên được rửa 3 lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường rồi được làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy, mức độ nhiễm ký sinh trùng không giảm được bao nhiêu. Các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim có trên tất cả các loại rau với tỷ lệ rất cao 46-100%. Ký sinh trùng amip, dạng bào nang, trứng giun đũa chó cũng có trong hầu hết các loại rau.
Ngâm nước muối loãng chỉ có tác dụng sát khuẩn nhẹ, có thể diệt một số vi khuẩn nhưng cũng không loại trừ được phần lớn vi khuẩn cũng như các loại giun sán.
Nếu dùng nước muối đặc để ngâm rau với hy vọng nó sẽ diệt chết vi khuẩn bằng áp suất thẩm thấu, thì rau chẳng còn gì, các chất dinh dưỡng cũng bị rút hết ra ngoài, mà chẳng thể chắc chắn được là sẽ diệt được hết vi khuẩn, trứng giun thì vẫn còn nguyên như đã nói ở trên.
Các bác sĩ khuyên rằng để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất không nên ăn rau sống mà nên chần qua. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người bị viêm đại tràng, người bị đau dạ dày và người dễ bị cảm cúm không nên ăn rau sống.
Khánh Phương
Theo