(Xây dựng) - Giữa những công trình kiến trúc hiện đại, những cánh cổng làng rêu phong nhuốm màu thời gian trên con phố Thụy Khuê lại khiến ta nhớ về hình ảnh của Hà Nội 36 phố phường xưa. Đó như một nét duyên của văn hóa làng quê giữa chốn thị thành.
Cổng làng Yên Thái.
Những cánh cổng làng thân thuộc cùng cây đa, bến nước, sân đình… là những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tưởng chừng những hình ảnh thân thuộc đó đã biến mất, nhưng không, giữa Thủ đô hiện đại không ngừng phát triển, vẫn còn có một nơi lưu giữ được nét quê ấy đó là phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ).
Chạy dọc theo chiều dài của con phố, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc cổng làng cổ kính, nằm xen giữa những tòa nhà mang kiến trúc hiện đại, sang trọng. Mỗi một cổng làng lại mang một kiến trúc khác nhau tạo nên một nét duyên giữa chốn thị thành mà không có một con phố nào có được. Sức ép của xã hội hóa đã khiến nhiều cổng làng bị phá bỏ để thay vào đó là những tòa nhà cao trọc trời. Số còn lại thì vẫn được bảo tồn, tu sửa như để lưu giữ một hình ảnh của Hà Nội xưa cũ.
Cổng Hậu dẫn vào làng An Thọ.
Bạn Bùi Thị Dung, sinh viên trường Đại học KHXH&NV cho biết: “Thời gian 4 năm học đại học đủ để mình đi hết những ngõ ngách ở Hà Nội. Mình thấy chỉ có ở Thụy Khuê mới có được nét ấm cúng của làng xã. Ở đây có khá nhiều đền, chùa và đặc biệt là cổng làng. Giữa đô thị tấp nập thế này, không ngờ có thể bắt gặp được những hình ảnh dân dã như vậy. Nó khiến mình liên tưởng đến những hình ảnh của quê hương mình”.
Bên trong cổng làng cổ kính tại ngách 530 là nơi sinh sống của hơn chục hộ dân.
Ông An, sống ở An Thọ (Thụy Khuê) chia sẻ: “Tôi là người sinh ra và lớn lên ở làng An Thọ chứng kiến bao sự đổi thay của nơi đây. Cái cổng ở Đình An Thọ nếu ai để ý thì sẽ thấy hai bên cổng là hai cách trang trí khách nhau. Lí do là thời xưa lúc xây đình thì làng tổ chức cuộc thi giữa hai đội thợ của làng, nếu đội nào thắng sẽ có thưởng. Vậy nên cổng đình này được xem là một trong những cổng đẹp nhất ở Thụy Khuê. Giữa sự thay đổi của xã hội mà ở đây vẫn còn giữ được rất nhiều cổng làng là một điều rất quý. Nhưng những cổng làng còn lại ở đây thì chủ yếu cả cổng tiền”.
Cổng đình An Thọ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) được xây dựng vào năm 1127, dưới triều vua Lý Nhân Tông. Đình là nơi thời Thành hoàng làng (ông Dầu, bà Dầu).
Cổng Chùa một cổng phụ của làng Hồ Khẩu.
Cổng chính dẫn vào làng Hồ Khẩu đã được tu sửa lại.
Cổng Giếng dẫn vào làng Hồ Khẩu.
Do làm ranh giới phía ngoài của các làng Yên Thái, An Thọ, Hồ Khẩu, Đông Xã... mà trước kia gọi chung là kẻ Bưởi, các cổng làng chỉ nằm ở bên chẵn. Các cổng giờ là các ngõ được đánh số rõ rang, rất dễ cho việc tìm kiếm địa chỉ nhưng những người dân nơi đây vẫn quen gọi cổng Xanh, cổng Giếng, cổng Hầu… thay bằng việc gọi bằng số thứ tự được đánh. Hầu hết các cổng đều được tu sửa lại nhưng về cơ bản vẫn giữ được những đặc trưng của kiến trúc ban đầu. Hai bên cổng làng là hai vế đối được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.
Cổng Xanh một cổng khác của làng An Thọ.
Không chỉ ở Thụy Khuê, một số nơi khác trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy…vẫn lưu giữ được những cổng làng mang đậm nét giá trị thời gian. Những chiếc cổng làng giữa lòng Thủ đô không chỉ giúp những người lớn tuổi gợi nhớ lại tuổi thơ của mình mà còn giúp lớp trẻ có thể hình dung một phần nào đó về nét đẹp của làng quê thủa xa xưa.
Đức Cương
Theo