Thứ bảy 20/04/2024 04:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngấm đòn COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ‘bóng ma’ nợ xấu

14:35 | 15/06/2021

Theo các chuyên gia, trong tổng số nợ 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu và các ngân hàng cần phải trích lập dự phòng rủi ro 30%.

ngam don covid 19 tiem an nguy co tu bong ma no xau
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng đồng loạt thanh lý các loại tài sản thế chấp để thu hồi nợ, với những khoản nợ có trị giá từ vài trăm triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù giảm giá mạnh nhưng chỉ rất ít người mua. Thậm chí, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được, vì vậy, tiềm ẩn “bóng ma” nợ xấu cao quay trở lại.

Giảm giá tài sản vẫn “ế”

Trước tình hình nợ xấu nguy cơ tăng trở lại, nhiều ngân hàng liên tục thông báo phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, với những khoản nợ có trị giá từ vài trăm triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.

Gần nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá cảng cạn Đình Vũ- Quảng Bình, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình với tổng giá trị đến 21/5 là gần 197 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 161 tỷ đồng. Giá chào bán khởi điểm cho tài sản trên là hơn 258 tỷ đồng vào giữa năm 2020.

Còn Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Bất động sản có diện tích 443,1 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.

Tài sản gắn liền trên đất là tòa khách sạn 12 tầng có thời hạn sở hữu đến ngày 4/5/2046.

Khách sạn này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng. Thời gian ngân hàng tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đến ngày 22/6 và dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 25/6.

Trước đó, Vietcombank từng rao bán khách sạn này với giá 100 tỷ đồng hồi cuối năm 2019 rồi giảm mạnh xuống 81 tỷ đồng vào tháng 6/2020 và tiếp tục xuống 79 tỷ đồng tháng 9/2020. Như vậy, so với lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm đã giảm tới 26%.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục đăng thông báo rao bán 32 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường 15B Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty cổ phần Đức Khải.

Đáng nói, đây đã là đợt phát mãi lần thứ 5 đối với các căn hộ trong dự án này. Cụ thể, hai lần phát mãi hồi cuối năm 2019, số lượng căn hộ mà ngân hàng này rao bán là 27 căn; lần thứ ba vào tháng 2/2020, lượng căn hộ tăng lên 65 căn và hồi tháng 5/2020 là 55 căn...

Nhiều ngân hàng khác như Agribank, VIB, Techcombank, SCB, PVCombank… từ đầu năm đến nay cũng phát ra hàng chục thông báo thu giữ, thanh lý tài sản bảo đảm.

Nhiều bất động sản là các dự án lớn cũng rơi vào tình trang bị ngân hàng thu giữ như: Dự án Saigon One Tower (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè), dự án BMC Hưng Long (Quận 7)… Đáng chú ý, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (Thành phố Hồ Chí Minh) có diện tích đất 2.675 m2 được ngân hàng rao bán theo hình thức đấu giá với giá khởi điểm là 535 tỷ đồng, rồi giảm xuống 356 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng không thành công.

Trên thực tế tài sản phát mại từ các ngân hàng thường có giá hấp dẫn hơn giá trên thị trường, trong khi người mua còn được ngân hàng hỗ trợ vay vốn, nhưng lại không dễ bán.

Ngân hàng tăng trích lập dự phòng

Tính đến cuối năm 2020 nhiều ngân hàng thông báo nơ xấu đã giảm nhiều nhưng từ đầu năm đến nay, nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng mạnh. Điển hình tại kết thúc quý 1 nợ xấu tại ACB tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hiện khoảng hơn 8.950 tỷ đồng. Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng, MB lên hơn 4.180 tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân nợ xấu tăng cao một phần là do tài sản phát mại nhiều lần nhưng không bán được. Nguyên nhân khác là do các ngân hàng đã chủ động phân loại lại nợ để bắt đầu xử lý.

ngam don covid 19 tiem an nguy co tu bong ma no xau
Bất động sản là một trong những mặt hàng được phát mại tài sản nhiều nhất. Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán BOS phân tích: “Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên.”

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao (lần lượt tăng 20,7% và 23%), trong đó có cả doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường. Hiện Bộ này đang yêu cầu tìm hiểu xem vấn đề là gì, nhưng có một nhận định chung là sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ lo lắng nhiều hơn khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này ‘đánh’ vào các khu công nghiệp - những nơi chủ chốt tạo ra hàng hóa xuất khẩu, nguồn thu ngân sách cho nền kinh tế như tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây là 2 tỉnh chiếm tới 10% vốn FDI, 5% giá trị xuất khẩu của cả nước. Tác động của đợt dịch qua 2 địa bàn công nghiệp trọng điểm này rất lớn, sẽ rất khó khăn và mất ít nhất 2 tháng, hoạt động của các khu công nghiệp tại đây mới có thể trở lại.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn sẽ tác động tới nợ xấu. Trong tổng số nợ 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, cần trích lập dự phòng rủi ro 30%, đây là con số ‘khủng.’ Theo đó, Nhà nước phải dành ngân sách cỡ 60.000 tỷ đồng để bù đắp, hỗ trợ khoanh nợ chứ không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại ‘gánh.’

Cũng có ý kiến cho rằng hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong khi ngân hàng vẫn báo lãi cao trong quý 1. Chia sẻ vấn đề này, ông Lực phân tích đến cuối năm nay các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu (khoảng 40.000-44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn mức lãi "khủng" như báo cáo mà tối đa chỉ có thể lãi 15%.

Cũng theo các chuyên gia, tổ chức tín dụng đang đánh giá lại mức độ thiệt hại của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch để tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cùng với đó, ngân hàng sẽ thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp nên lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm xuống đáng kể.

Cũng theo ông Lực, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các nhà băng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỷ đồng, để cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Đây là chính sách khá nhân văn.

Với những diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này nhìn nhận tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 11%-13% là phù hợp.

“Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nợ xấu,” ông Lực nhấn mạnh./.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load